Phát ngán với phim truyền hình dài nhất trong lịch sử

ANTĐ -  “Cô dâu 8 tuổi” - Bộ phim của điện ảnh Ấn Độ đang làm người xem choáng trước thông tin 200 tập phim đã phát trên một kênh truyền hình cáp của Việt Nam suốt gần 1 năm qua chưa thấm vào đâu vì phim dài tới... 2.000 tập!

Cãi nhau vì vợ mải xem phim

Không được quảng bá rầm rộ, cũng chỉ lên sóng một kênh truyền hình cáp nên kể cả khi đã phát đến tập thứ 200 thì không phải ai cũng biết đến “Cô dâu 8 tuổi”. Chỉ mới đây khi có thông tin rằng bộ phim dài 2.000 tập và khi phát tại Việt Nam đã được gộp 2 tập phiên bản Ấn thành một tập Việt, còn hơn 900 tập, thì dư luận đã lên cơn “sốt” vì không thể tin nổi. Trên khắp các diễn đàn mạng nổ ra cuộc tranh luận hài hước về bộ phim có thời lượng được xếp vào dạng kỷ lục này. 

Phát ngán với phim truyền hình dài nhất trong lịch sử ảnh 1

Nhân vật “cô dâu 8 tuổi” (giữa) do cô bé Avika Gor đảm nhận trong suốt 500 tập đầu của phim đang khiến cư dân mạng phát “sốt”

Trong những lời bàn ra tán vào ấy, “mũi dùi” được “chĩa” sang cả các bà nội trợ, các bà vợ và chị em phụ nữ - những khán giả chính cặm cụi theo dõi phim trong suốt thời gian qua, mà lý do thì chỉ bởi họ… mê xem quá. Như lời than vãn của một ông chồng đăng tải trên mạng xã hội, nhiều lần buổi tối đến giờ chiếu phim, rủ vợ ra ngoài đi ăn hay đi chơi cũng đều chỉ nhận được cái lắc đầu vì còn bận xem “Cô dâu 8 tuổi”.

Có đấng mày râu nói vui hơn 1 năm qua phải ăn cơm một mình vì cứ đến giờ chiếu phim là hai vợ chồng lại cãi nhau, đấy là mới chiếu 200 tập, chứ phim dài tới 2.000 tập thì không biết có sống được với nhau nữa không! Một chàng trai khác tâm sự, từ lúc quen bạn gái, vẫn biết cô nàng thích xem bộ phim này, tới bây giờ khi cả hai chuẩn bị kết hôn mà vợ tương lai nhiều lúc vẫn lơ đễnh vì mải xem phim, lắm lúc anh phải nửa đùa nửa thật: “Em ơi, cô dâu sắp sang tuổi thứ 9 chưa”. Cũng bởi sự mê mải ấy mà lắm bà vợ bị chồng trêu “trả về nơi sản xuất” khi nào xem hết phim thì về. Còn không ít ông chồng phải thốt lên: “Ôi thần linh ơi, cho cái tivi nhà em sống thọ đến lúc hết phim, chứ nhiều lúc em điên máu lên là em đập mất”. 

3 tập vẫn chưa xong bữa cơm

“Ôi thần linh ơi!” – câu nói lặp đi lặp lại trong phim “Cô dâu 8 tuổi” hiện cũng đang là câu cửa miệng của rất nhiều người và được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng Internet. Không ít người đã thốt lên như thế khi biết về độ dài đáng kinh ngạc của bộ phim này. Câu hỏi vì sao phim dài tới 2.000 tập lập tức được hồi đáp bằng vô khối lý do, rằng đã làm phim theo kiểu “sitcom” thì phải dài, rồi khai thác nhiều chủ đề bức bối trong nhà ngoài ngõ thì đương nhiên có đầy chuyện  nhưng lý do nghe có vẻ thuyết phục nhất lại là do cách kể chậm hơn… rùa của nhà làm phim. 

Theo đó, kỹ thuật tua chậm đã được đạo diễn tận dụng một cách tối đa. Như lời ví vui của một khán giả nữ thì lúc cô mang bầu, trong phim cũng có một nhân vật nữ mang bầu, nhưng đến lúc cô sinh con được hai tháng rồi mà nhân vật đó vẫn… chưa đẻ. Đó cũng là lý do vì sao khán giả thường xuyên phải xem những phân cảnh được dàn dựng lê thê vắt từ tập này sang tập khác như kiểu khóc thì hết 2 ngày, đi chợ thì hết 2 tập mới về đến nhà, còn nhân vật không may qua đời thì phải sau 7 tập mới được đem đi chôn cất. Đều đặn xem, có khán giả còn tìm ra công thức làm phim là quay cận cảnh từng nhân vật đúng kiểu sau mỗi lời nói, mỗi cử chỉ hay thái độ vui buồn của một nhân vật là y rằng máy quay lập tức lia vào và quay tận cảnh các nhân vật xung quanh. Mà mỗi lần như thế, có khi hết tới nửa tập phim. Thế nên mới có chuyện thật như đùa là một bữa cơm trong phim mà hết 3 tập vẫn chưa xong.

Đến giờ “cơn sốt” phim “Cô dâu 8 tuổi” xem ra vì tò mò nhiều hơn là thích thú. Chưa chắc lượng khán giả theo dõi bộ phim này đã cao nhưng có một điều chắc chắn là đến thời điểm này, hầu như ai cũng nghe và biết đến bộ phim này. Trên một diễn đàn mạng, cánh mày râu còn làm hẳn thơ để ví von về việc “gần mười năm nữa là phim hết rồi”. Không biết đây có phải “chiêu” PR của đơn vị phát hành bộ phim này tại Việt Nam hay không, vì ngay giữa “cơn sốt” thì đại diện đơn vị này cũng tranh thủ lên tiếng để giới thiệu về phim. Nhưng cho dù thế thật thì đây rõ ràng là một thành công trong việc đưa “Cô dâu 8 tuổi” trở thành hiện tượng mạng gây tò mò và thích thú cho mọi người hơn là bộ phim được đón nhận trên sóng truyền hình.