Phát kiến “điên rồ” cũng được tài trợ

(ANTĐ) - Sự lý giải thú vị nằm ở cách tư duy. Chấp nhận cả những đột biến, bất ngờ, đi từ những ý nghĩ lóe lên điên rồ nhất có thể…
Phát kiến “điên rồ” cũng được tài trợ ảnh 1
“Trong tư duy có những lúc ta cần một cuộc cách mạng thay vì một tiến trình đi lên từ từ. Vấn đề là chúng ta bị khóa chặt vào những lối tư duy chính thống. Điều đó ngăn chúng ta suy nghĩ theo những lối tư duy mới”. Tiến sĩ Tachi Yamada, Chủ tịch Chương trình Chăm sóc sức khỏe của Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) của tỷ phú Bill Gates, thành viên Ban tuyển chọn các ý tưởng của BMGF, đã lý giải như vậy khi rất nhiều phóng viên đặt câu hỏi tại sao Bill Gates rất sẵn sàng tài trợ cả những ý nghĩ, phát kiến điên rồ. Nếu cơ chế điều phối và đáp ứng cho những ý tưởng nảy mầm mà tuần tự theo thói quen đi từ thấp đến cao, đi từ xa đến gần, đi từ dễ tới khó,… thì ý tưởng có lẽ thui chột, rơi rụng hết và sức sáng tạo còn đâu. Với cam kết sẵn sàng chi 168 triệu USD để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học có thể giúp thay đổi thế giới, BMGF lập tức chọn được hơn 70 ý tưởng để trao tiền tài trợ của quỹ này. Trong số đó, không ít những ý tưởng nghiên cứu pha chút không tưởng hoặc hài hước đến sửng sốt được “lọt mắt xanh” ngài tỷ phú. Chẳng hạn như: trường hợp của Udantha Abeyratne ở trường Đại học Queensland (Australia), người đề xuất sử dụng điện thoại di động để phân tích và chẩn đoán bệnh viêm phổi. Điện thoại sẽ được trang bị phần mềm để ghi lại tiếng ho, tiếng thở, tiếp đó phân tích và đưa ra thông số chẩn đoán xem người vừa nói có bị viêm phổi hay không. Rồi phải kể đến ý tưởng của Margaret Njoroge ở Phòng nghiên cứu Y sinh Uganda - đề xuất việc phát triển loại vaccine chống sốt rét dành riêng cho các bà mẹ. Vaccine này sẽ tạo ra kháng thể chống bệnh sốt rét trong sữa mẹ và được chuyển cho trẻ khi chúng bú mẹ. Trong số các nhà khoa học trẻ có những ý tưởng kỳ lạ nhất phải kể tới Andrew Fung ở trường Đại học California (Mỹ). Fung hy vọng sẽ sản xuất được một loại kẹo cao su có thể giúp phát hiện sớm bệnh sốt rét khi bệnh nhân... nhai kẹo. Hay như Ranjan Nanda thuộc Trung tâm Quốc tế về biến đổi gene và công nghệ sinh học ở Ấn Độ, tác giả của ý tưởng tạo ra chiếc mũi điện tử để thu thập và phân tích hơi thở người nhằm xác định bệnh lao. Điều thú vị ở chỗ, Yamada cho biết ông và tỷ phú Bill Gates, chấp nhận thực tế rằng 90% ý tưởng có thể thất bại. Thậm chí, họ lường trước có cả những kẻ bốc phét chủ tâm “xài chùa” tiền tài trợ. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các ý tưởng dù rất nhỏ cũng là điều đáng khích lệ. Thế mới là ý tưởng chứ! Và bởi vậy, cứ mỗi ý tưởng điên rồ được “lọt mắt xanh” sẽ nhận được sự tài trợ ban đầu khoảng 100.000 USD của BMGF trong khuôn khổ chương trình Grand Challenges Explorations (Những khám phá mang tính thách thức lớn). Những người này sẽ có cơ hội nhận tiếp 1 triệu USD tiền tài trợ nếu dự án của họ thành công. “Một số ý tưởng có vẻ xa vời nhưng có ranh giới khá rõ ràng giữa sự điên rồ và những điều hoàn toàn mới mẻ” - Yamada - cộng sự của Bill Gates chốt lại rất khôn ngoan. Nếu có ý tưởng mới, không nên ngần ngại và chần chừ, hãy đào sâu chúng lên và bới chúng cho ra nhẽ. Andrew   Serazin, Giám đốc Chương trình sức khỏe toàn cầu thuộc BMGF, khẳng định: “Bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn xin tài trợ và chúng tôi sẽ đánh giá các ý tưởng của một người từng đoạt giải Nobel ngang hàng với một học sinh trung học”. Sòng phẳng như thế thì ý tưởng, phát kiến mới có “đất sống”, kể cả những ý tưởng điên rồ nhất!