Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 26/6, Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò của báo chí truyền thông với việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”.

Tọa đàm được tổ chức nhằm phát huy trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến từ các tòa soạn báo, các chuyên gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp… trong việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành Ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Kế hoạch số 23/KH-BTV ngày 14/3/2022 của Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội về triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” giai đoạn 2022 - 2026 gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”.

Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí truyền thông trong công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Thủ đô “Văn hiến- Văn minh- Hiện đại” có sức lan tỏa sâu rộng, đạt hiệu quả cao nhất đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu tại tọa đàm
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh

Học phát biểu tại tọa đàm

Tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu Trung ương và Thành phố, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa- Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội cùng nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học khẳng định: Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong chương trình công tác của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ. Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06 “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Chỉ thị số 30 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Xác định tầm quan trọng của công tác truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hệ thống báo chí, năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” lần thứ VII- năm 2024. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành thực thi pháp luật; tự hào, tôn vinh truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc và Thủ đô. Đồng thời, cổ vũ, động viên phóng viên, biên tập viên, các tập thể, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang - Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô và nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Hà Nội chủ trì tọa đàm.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang - Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô và nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Hà Nội chủ trì tọa đàm.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mong muốn, qua cuộc tọa đàm, các cơ quan báo chí tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tiếp tục tuyên truyền nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Qua đó tạo tác động tích cực, lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong xã hội.

Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Hà Nội chia sẻ, trong tình hình chính trị, kinh tế xã hội quốc tế và trong nước có nhiều biến động khó lường, hơn lúc nào hết những người làm báo Thủ đô cần không ngừng tôi rèn bản lĩnh cách mạng, đề cao quan điểm lập trường và tinh thần xung kích của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng mà Đảng và nhân dân giao cho.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang một lần nữa khẳng định, Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó không thể thiếu công tác tuyên truyền xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch trên hệ thống báo chí, truyền thông. Vì thế, Thành ủy Hà Nội hàng năm đã tổ chức thường niên Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Qua đó thể hiện vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Mặc dù đạt được những hiệu quả tích cực nhưng công tác xây dựng văn hóa và người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa và người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở một số địa phương của thành phố Hà Nội còn hình thức, chưa có sự đổi mới nội dung để phù hợp với thực tiễn nên chưa đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, dẫn đến chồng chéo, buông lỏng, giảm hiệu lực, hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào xây dựng văn minh đô thị, xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được tổ chức thực hiện chưa đồng đều; một số địa phương còn thực hiện một cách hình thức, chưa thực chất. Một số giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nội bị mai một trước tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế... Do đó, công tác tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn cần được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là tuyên truyên trên không gian mạng và các nền tảng số.

"Cuộc tọa đàm lần này được tổ chức với mong muốn được lắng nghe những trao đổi, đề xuất của các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ban ngành, để có thêm những giải pháp hay trong tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt hiệu quả hơn nữa. Từ đó, nâng cao tính phản biện xã hội của báo chí góp phần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô", bà Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đã gợi mở những giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền về sự đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò của các cấp ủy và chính quyền địa phương trong xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Tăng cường đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử; Đa dạng các tuyến bài thông tin về phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội; Tuyên truyền nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo… trong mỗi người dân Hà Nội, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới.

Về phía Ban biên tập, cần chủ trương đầu tư chất xám từ xây dựng và phản biện đề cương tác phẩm bảo chí, phân công cây bút chủ lực, cây bút cứng hoặc đặt hàng cộng tác viên triển khai thực hiện các tác phẩm chuyên sâu phản ánh bề dày văn hóa, tôn vinh giá trị truyền thống tinh hoa của người Hà Nội qua các thế hệ; thường xuyên đổi mới, cải tiến nội dung hình thức các ấn phẩm báo chí, coi trọng chuyển đổi số, xây dựng nền tảng báo điện tử…

Đối với cán bộ phóng viên, cần rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu, những hành vi lệch lạc, kịp thời phát hiện những bất cập từ cơ sở để phê bình; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thắp lên ngọn lửa tri thức, lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội.

Chia sẻ về phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng chuẩn mực văn hóa trên môi trường số, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho rằng, cùng với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực, việc hình thành các chuẩn mực văn hóa số đang được đặt ra bức thiết và cấp bách. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, vai trò của báo chí càng phải được thể hiện và khẳng định một cách mạnh mẽ bằng việc thể hiện thông tin một cách chính xác, chuẩn mực và có tính định hướng cao, trong đó có vấn đề truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra... Khi phát hiện sai phạm, cần có chế tài mạnh đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Chia sẻ về vai trò đồng hành của báo chí trong việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, Ths Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ cho rằng, bất cứ chủ đề nào gắn với các tiêu chí người phụ nữ thời đại mới cũng phải được nêu rõ vấn đề/thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân, gợi ý giải pháp xử lý không định kiến. Báo chí cần cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin để xã hội không định kiến, không hiểu lầm về lý do xây dựng người phụ nữ thời đại mới. Cần tiếp tục tạo diễn đàn tương tác cho nam giới và phụ nữ để mỗi người đều biết mình là ai và hiểu sâu sắc, đầy đủ những người khác xung quanh mình.

“Để thực hiện những vai trò nêu trên, thiết nghĩ báo chí cần có giải pháp bồi dưỡng năng lực hỗ trợ xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để thống nhất và hành động hiệu quả”- Ths Hà Thị Thanh Vân chia sẻ.