Phát huy tiếng nói của trẻ em đường phố

ANTD.VN - “Người nhận nuôi trẻ em đường phố cần đối xử với trẻ như con đẻ, không thể coi như là nô lệ trong nhà” - lời của cô bé Cecila (15 tuổi), phát thanh viên không chuyên của chương trình phát thanh Mungongo ya Mwana (Tiếng nói của trẻ em) ở Thủ đô Kinshasa của Congo được “đồng nghiệp” trong phòng thu và hàng nghìn khán giả nghe đài tán thành.

Phát huy tiếng nói của trẻ em đường phố  ảnh 1Nhiều người bắt đầu thay đổi quan điểm khi nghe chương trình phát thanh “Tiếng nói của trẻ em”

Những phát thanh viên đường phố 

Ý tưởng về chương trình phát thanh cho trẻ em đường phố do Joachim Ambambo (37 tuổi) khởi xướng. Bản thân Joachim từng là một trẻ đường phố có hành vi vi phạm pháp luật. Sau 6 năm trong trại giáo dưỡng, Joachim trở lại cuộc sống đời thường và quyết định phải hành động vì trẻ em đường phố Kinshasa  (Cộng hòa Congo). Joachim nhận thấy rằng, đài phát thanh là một kênh thông tin rất hiệu quả, được mọi người khắp nơi  đón nhận. Được sự hỗ trợ của Quỹ Đài phát thanh của Trẻ em, chương trình phát thanh Mungongo ya Mwana (Tiếng nói của trẻ em) dành cho trẻ Lingala ra đời, có trụ sở tại khu chợ sôi động Gambela ở ngoại ô Kinshasa.

Kể từ tháng 3-2016, vào mỗi chủ nhật, người dân Kinshasa lại mở tần số phát sóng chương trình Mungongo ya Mwana và lắng nghe tâm sự của chính những đứa trẻ mà họ thường bắt gặp trên đường phố hàng ngày. Quỹ Đài phát thanh của Trẻ em đã hỗ trợ đào tạo 17 phát thanh viên cho Mungongo ya Mwana trong năm 2015. Tất cả đều là trẻ em đường phố ở độ tuổi từ 12 - 17. Các em thường tự thu âm và dựng chương trình.

Cô bé Cecila (15 tuổi), phát thanh viên nhiệt huyết của chương trình đã chia sẻ câu chuyện về tình trạng bạo hành tại các gia đình nhận nuôi trẻ đường phố từ chính cuộc đời mình. Cecilia trở thành trẻ mồ côi từ năm 2009. Hầu hết người thân của Cecilia đều sống tại Angola, vì vậy cô bé không hề có nơi nương tựa. Sau hai tuần sống lang thang trên đường phố, một phụ nữ tiếp cận Cecilia và ngỏ lời nhận Cecilia làm con nuôi. Kể từ lúc bước chân vào nhà của người “mẹ nuôi”, Cecila rơi vào cảnh “nô lệ hiện đại”.

Trong 6 năm, Cecilia đã phải hứng chịu bạo hành cả về thể chất và tinh thần bởi các thành viên trong gia đình nhận nuôi. Cecila thường bị bỏ đói và phải nằm ngủ trên sàn nhà. Vào một ngày, người mẹ nuôi đang tâm đấm thẳng vào mặt Cecila khiến Cecilia gãy hai răng cửa. Không thể tiếp tục sống thêm những ngày bị đày đọa cơ cực, Cecila liều mình bỏ trốn.

Có hoàn cảnh xuất thân khác, Chloe - một phát thanh viên 16 tuổi của Mungongo ya Mwana, lại từng là một gái mại dâm. Thông qua chương trình phát thanh Mungongo ya Mwana, Chloe đã trải lòng về quyết định “bán thân” của mình trước kia. Vì không muốn lấy người đàn ông đáng tuổi cha theo sự sắp xếp của gia đình, Chloe đã liều mình bỏ nhà ra đi…

Ngoài việc học được kỹ năng mới, trẻ em đường phố tại Kinshasa còn có thể thay đổi được cuộc sống qua chương trình phát thanh này. Sau khi nghe câu chuyện của trẻ em đường phố, theo thời gian, người dân nhận thấy không nên quan niệm những đứa trẻ kém may mắn này chỉ là lũ trẻ hư, dễ sa vào nạn “đầu trộm, đuôi cướp” hay gái mại dâm. 

Nhịp cầu nhân ái 

Khi những trẻ em đường phố như Cecilia và Chloe bày tỏ, chia sẻ tâm tư trên đài phát thanh, chúng hy vọng, cộng đồng mà chúng tương tác hàng ngày bắt đầu nhìn chúng bằng cặp mắt thiện cảm hơn. 

Cecilia rất đam mê thời trang, cô bé muốn trở thành nhà thiết kế thời trang và một ngày có thể tạo ra thương hiệu của riêng mình. Tương tự, Chloe cũng muốn được đi học để trở thành một phóng viên chuyên nghiệp. Tuy không chắc có thể nhập học một trường theo mơ ước, nhưng cả Cecilia và Chloe vẫn có động lực bởi với Mungongo ya Mwana, ít nhất 2 cô bé đã có cơ hội để bày tỏ, chia sẻ tâm tư của bản thân. Cecilia kết thúc một chương trình Mungongo ya Mwana với lời nhắn nhủ: “Trẻ em đường phố phải đối mặt với thực tại khó khăn. Cộng đồng nên hiểu điều đó và quan tâm hơn thay vì khinh thường chúng cháu”.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Kinshasa có 25.000 trẻ em đường phố và con số này đã tăng gấp đôi trong thập niên qua. Việc mở rộng đô thị    Kinshasa cùng với tỷ lệ sinh cao là nguyên nhân khiến số lượng trẻ em đường phố ở Thủ đô Congo gia tăng. Những đứa trẻ sống trên đường phố ở đây thường bị dụ dỗ làm lính trẻ em, thợ mỏ trái phép, bị ép hành nghề mại dâm... Một số trẻ khác đi xin ăn hoặc làm những công việc lao động nặng nhọc quá sức, thậm chí một số em còn có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo hãng truyền hình Aljazeera, mặc dù với sự phát triển không ngừng nghỉ của Internet, đài phát thanh vẫn là một loại hình truyền thông được ưa chuộng, đặc biệt là tại châu Phi. Theo Quỹ Đài phát thanh của Trẻ em, 6,2% dân số châu Phi có thể truy cập Internet nhưng hơn 80% người dân lại tiếp cận với đài phát thanh trong năm 2011. Số lượng đài phát thanh cộng đồng cũng phát triển mạnh tại châu Phi khi tăng 1.386% trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2006.