Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy

ANTĐ - Tội phạm và tệ nạn ma túy đã và đang thực sự trở thành hiểm họa lớn, nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời. 
Nhân ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26-6, Đại tướng Trần Đại Quang Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy đã có bài viết quan trọng, nhấn mạnh cần rút ra những kinh nghiệm hay trong công tác chỉ đạo; xác định địa bàn trọng điểm để tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất tội phạm về ma túy, tạo chuyển biến cơ bản và rộng khắp trong toàn quốc. Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu bài viết.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy ảnh 1
Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy đối với thanh niên được
CATP Hà Nội thực hiện thường xuyên và đạt hiệu quả tốt

Trong những năm qua, tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy đã trở thành vấn đề nóng bỏng của toàn cầu, là cuộc chiến lâu dài của nhân loại. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông - Nam Á đang diễn biến ngày càng phức tạp; việc sản xuất và sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có ma túy tổng hợp dạng “đá” đang lan rộng ở mức độ nghiêm trọng, riêng khu vực “Tam giác vàng”, mỗi năm ước tính sản xuất khoảng 2 tỷ viên ma túy tổng hợp; đặc biệt đã xuất hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp qua đường hàng không từ châu Phi, Trung Đông và một số nước Trung Á vào khu vực Đông - Nam Á.
Những tác động nêu trên đã và đang làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến phức tạp hơn; tính chất tội phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả quyết liệt khi bị phát hiện bắt giữ. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp về phòng, chống ma túy và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống ma túy. Ngày 26-3-2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”; ngày 27-6-2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1101/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; và ngày 31-8-2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1203/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015. Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống ma túy đã được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế, xã hội và an ninh, trật tự của đất nước. Nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp được nâng lên, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy. Nhiều giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa được triển khai thực hiện, tạo được sự chuyển biến tích cực ở cơ sở; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực phòng, chống ma túy đã được nâng lên; mô hình cai nghiện thay thế bằng Methadon đã bước đầu phát huy hiệu quả. Do vậy, đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm ma túy và người sử dụng ma túy; làm chậm sự gia tăng người nhiễm HIV mới và giảm số người chết do AIDS.

Lực lượng Công an đã tích cực phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy; liên tục mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tập trung trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các địa bàn Tây Bắc (Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu), tuyến Đông Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng), bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), khu vực Tây Nam (Tây Ninh, An Giang) và các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Công an đã phát hiện 9.451 vụ, tăng 1.445 vụ (18%), bắt 14.178 đối tượng, tăng 2.580 đối tượng (22,25%); thu giữ 328,845kg hêrôin, tăng 187,529kg (132,7%)  so với cùng kỳ năm 2012. Đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng trong các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy lớn, xuyên quốc gia, có vụ chúng mua bán vận chuyển hàng trăm bánh hêrôin, như ngày 18-4-2013, trên tuyến đường 298 thuộc thôn Cầu Đồng, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển 140 bánh hêrôin, 180 viên hồng phiến...

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy ở khu dân cư được quan tâm chỉ đạo nhân rộng, phát huy hiệu quả thiết thực. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo duy trì 630 mô hình khu dân cư phòng, chống ma túy, xây dựng 7 mô hình mới về phòng, chống ma túy; đồng thời, nhân rộng các mô hình “Khu dân cư không có người nghiện ma túy”, “Gia đình, dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”... Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức và duy trì hoạt động của 1.024 đội thanh niên xung kích, 400 câu lạc bộ “Phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội” thu hút trên 10.000 đoàn viên, thanh niên tham gia. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, góp phần làm giảm người nghiện ma túy là công nhân, viên chức lao động. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chỉ đạo duy trì và đẩy mạnh hoạt động của các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả, như Câu lạc bộ “Làng không ma túy” của tỉnh Quảng Bình”, mô hình “Gia đình Cựu chiến binh không mắc tệ nạn xã hội” của tỉnh Yên Bái... Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Chi tổ Phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật” và “Chi tổ phụ nữ vận động chồng, con cai nghiện ma túy, hạn chế tái nghiện”. Nhiều địa phương đã áp dụng rộng rãi các mô hình hoạt động có hiệu quả, như mô hình “Khu dân cư không có người vi phạm pháp luật”, “Khu dân cư không có tệ nạn ma túy”, “Gia đình, dòng họ không có tệ nạn ma túy”..., góp phần hạn chế tội phạm và tệ nạn ma túy.

Trong lĩnh vực cai nghiện, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện với nhiều hình thức; đồng thời chú trọng quản lý đối tượng sau cai nghiện ở cộng đồng. Xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện, phục hồi có hiệu quả, như mô hình “Cai nghiện ba giai đoạn” của tỉnh Tuyên Quang; mô hình “Cai nghiện tại cộng đồng kết hợp cai nghiện tại Trung tâm” của tỉnh Sơn La; mô hình “Cai nghiện tại gia đình” của thành phố Nam Định; mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người nghiện” của tỉnh Quảng Nam; mô hình “Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng” của thành phố Hải Phòng... Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình đang phát huy hiệu quả cao, điển hình là mô hình “Quân dân y cai nghiện ma túy và giải quyết sau cai nghiện tại các xã khu vực biên giới”; mô hình “Cai nghiện và quản lý sau cai tại xã, cụm xã”... tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Trong thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý, gắn với thảm hoạ ma tuý tổng hợp ATS trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đang thực sự là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia. Ở nước ta, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có nhiều diễn biến phức tạp mới, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm và tệ nạn ma túy đã và đang thực sự trở thành hiểm họa lớn, nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời. Do vậy, đấu tranh phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài; đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Để thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” và “Ngày quốc tế phòng, chống ma túy”, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống ma túy; tập trung sơ kết 5 năm việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, rút ra những kinh nghiệm hay trong công tác chỉ đạo; xác định địa bàn trọng điểm để tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất tội phạm về ma túy, tạo chuyển biến cơ bản và rộng khắp trong toàn quốc. 

Tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động, như Nghị quyết liên tịch số 02/1998/NQLT giữa Bộ Công an với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về “Phòng, chống tội phạm ma túy trong thanh, thiếu niên”; Nghị quyết liên tịch số 01/1999/BCA-HCCB giữa Bộ Công an với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về “Phối hợp vận động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Nghị quyết liên tịch số 01/2012/NQLT giữa Bộ Công an với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; Chương trình hành động giữa Bộ Công an với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”; Kế hoạch liên tịch giữa Bộ Công an với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Vận động nhân dân lao động tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy”...

Trong công tác phòng ngừa ma túy, cần tập trung tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa về tác hại của các loại ma túy để nâng cao nhận thức cho nhân dân. Các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí để thường xuyên cập nhật thông tin và kịp thời chuyển tải đến người dân những phát hiện mới về tác hại của ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy. Lồng ghép tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy với phổ biến kiến thức, pháp luật, sinh hoạt văn hóa, thể thao; xây dựng chương trình phòng ngừa chuyên biệt cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như số thanh, thiếu niên có lối sống không lành mạnh, trẻ em lang thang, cơ nhỡ...

Tiến hành tổng rà soát, thống kê người nghiện trong cả nước nhằm nắm chắc danh sách người nghiện hiện có, phát hiện và đưa vào quản lý số người nghiện mới, người nghiện ma túy tổng hợp. Tổ chức có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy gắn với quản lý và tạo việc làm sau cai nghiện; nhân rộng mô hình cai nghiện thay thế bằng methadone và xã hội hóa công tác cai nghiện nhằm kiềm chế và giảm dần người nghiện. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để tái trồng cây thuốc phiện, cây cần sa; quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế trong việc kinh doanh, điều trị bằng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, không để tội phạm lợi dụng sơ hở để sản xuất, điều chế ma túy. Huy động lực lượng ở cơ sở, tổ chức quản lý chặt chẽ các tụ điểm ma túy đã bị triệt phá, không để phức tạp trở lại.

Triển khai thực hiện có hiệu quả dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” nhằm xây dựng các phòng tuyến ngăn chặn tội phạm và hiểm hoạ ma tuý từ cơ sở, tạo tiền đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015. Đề cao trách nhiệm của gia đình, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong quản lý, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho số đối tượng sau cai nghiện. Phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại cộng đồng dân cư. 

Tập trung phòng ngừa, ngăn chặn việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng ma túy tổng hợp; có kế hoạch phối hợp kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, các loại tân dược chứa chất gây nghiện, tân dược chứa tiền chất nhằm hạn chế nguy cơ tội phạm ma túy sử dụng các hóa chất này vào hoạt động điều chế ma túy tổng hợp trên lãnh thổ Việt Nam. Khẩn trương nghiên cứu tiêu chí xác định người nghiện ma túy tổng hợp và phác đồ điều trị; đồng thời tích cực điều trị cho những người nghiện ma túy tổng hợp có dấu hiệu tâm thần để tránh những hậu quả xấu mà họ có thể gây ra cho xã hội.

Lực lượng công an cần tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển... xây dựng kế hoạch đấu tranh, tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về ma túy trong nước và ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập nước ta. 

Đẩy mạnh việc thực hiện các công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý, các hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương về hợp tác phòng, chống ma tuý mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống ma túy, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần cùng nhau xây dựng một thế giới hoà bình, an toàn và phát triển.