Biến tất cả các di sản Hà Nội thành nguồn lực văn hóa phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô

Phát huy nguồn lực văn hóa để Rồng thiêng bay cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - ông Michael Croft đã tới Việt Nam được 3 năm. Với ông, một câu chuyện luôn được nhắc đến từ khi đặt chân đến dải đất hình chữ S cho tới tận giây phút này luôn là chủ đề về sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Những màn múa đẹp mắt, hòa quyện nét đẹp tâm linh và võ thuật cổ truyền thường được biểu diễn trong các dịp hội hè, lễ Tết đã trở thành một dấu ấn văn hóa đậm nét của Thủ đô Hà Nội Ảnh: LAM THANH

Những màn múa đẹp mắt, hòa quyện nét đẹp tâm linh và võ thuật cổ truyền thường được biểu diễn trong các dịp hội hè, lễ Tết đã trở thành một dấu ấn văn hóa đậm nét của Thủ đô Hà Nội

Ảnh: LAM THANH

Trên cương vị đại diện của tổ chức nổi tiếng thế giới với nhiều Công ước (Proclamation) với việc ghi danh các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ông Michael Croft luôn cảm thấy thách thức khi phải khẳng định rằng UNESCO sẽ lựa chọn bảo tồn hay là phát triển.

Đó là một phần nội dung bài viết của Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft tham luận tại Hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội” diễn ra ngày 28-9 tại Hà Nội do Thành ủy, UBND TP Hà Nội tổ chức.

Bảo tồn hay phát triển?

Cũng theo ông Michael Croft, Việt Nam có môi trường thuận lợi để thảo luận những vấn đề này và nội tại của Việt Nam là nguồn minh chứng trả lời cho những câu hỏi trên. Lịch sử Việt Nam cho thấy, văn hóa và phát triển không phải là “kẻ thù” mà là những “người bạn”. “Đây cũng chính là phương hướng được thể hiện tại Chiến lược quốc gia của chúng tôi tại Việt Nam - đặt văn hóa vào trung tâm của sự phát triển - điều này càng rõ nét khi Việt Nam gia nhập thành công Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cuối 2019” - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nói.

Đi sâu vào phân tích tiềm năng của Hà Nội, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đánh giá: Hà Nội vốn có nhiều di sản để tạo điều kiện phát triển theo phương thức này. Bề dày truyền thống các di sản Hà Nội cũng chính là kết quả trực tiếp của một quá trình sáng tạo và đổi mới mà cũng không kém phần phong phú và độc đáo…

Biến di sản thành nguồn lực

GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về thành tựu nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những địa chỉ có sức hút rất mạnh đối với du khách trong nước và quốc tế. Có những di sản đã trở thành hình ảnh, biểu tượng đại diện cho đất nước, con người Việt Nam góp phần lan tỏa giá trị Việt Nam ra thế giới. GS.TS Phạm Hồng Tung đề xuất, phải biến tất cả các di sản văn hóa Hà Nội thành nguồn lực văn hóa phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Tuy nhiên, GS.TS Phạm Hồng Tung cũng thẳng thắn chia sẻ, việc đưa di sản thành nguồn lực còn rất kém, xét cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Nhiều di sản vật thể có giá trị vẫn chưa phát huy được hiệu quả như khu di tích Đàn Xã tắc và nhiều di sản cách mạng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với làng xã của các huyện ngoại thành Hà Nội đang bị đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa “nuốt chửng”, “bức tử”…

Nhiều di sản dù đã được khai thác phát huy nhưng không tương xứng với tiềm năng, giá trị, thậm chí có nơi phản tác dụng tức là làm cho di sản xuống cấp, biến dạng, hoặc di sản lại trở thành “gánh nặng” cả về kinh phí lẫn trách nhiệm quản lý cho các chủ thể sở hữu. Việc có rất ít sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc của Hà Nội có sức cạnh tranh, lan tỏa mạnh chính là một minh chứng rõ nhất cho sự yếu kém và hiệu quả còn hạn chế của việc phát triển nguồn lực văn hóa trên nền tảng di sản văn hóa Hà Nội.

Thực tế trên đặt ra đòi hỏi cấp bách phải đổi mới căn bản và triệt để công tác nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa ở Hà Nội, giải cho được bài toán khó giữa mối quan hệ bảo tồn và phát triển, tạo cơ chế thuận lợi nhất để phát triển công nghiệp văn hóa, tạo nên thương hiệu và xung lực văn hóa của Thủ đô.

Nền tảng cốt lõi là văn hóa con người

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, theo nghĩa thông thường dễ nhận thấy, nguồn lực văn hóa thể hiện ở các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể… được hình thành từ khi con người sinh ra xây dựng gia đình, làng xóm, cộng đồng, tộc người và quốc gia… Tuy nhiên, đó là nguồn lực văn hóa mà chúng ta có thể nhìn thấy được, thậm chí đong đếm hay thụ hưởng kết quả của nó. Nhưng, có những nguồn lực vô hình, không phải lúc nào cũng đem ra cân - đong - đo - đếm nhưng lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng - đó là nguồn lực văn hóa con người!

GS.TS Lê Hồng Lý giải thích, con người cụ thể trong trường hợp này là người nắm các vị trí trọng yếu trong bộ máy hay tổ chức và tại những thời điểm bước ngoặt của cuộc sống. Bởi vì, xét cho cùng, tất cả nguồn lực văn hóa phi vật thể và vật thể đều từ con người mà ra. Những con người đó hoặc là vô danh (như trong văn hóa dân gian) hoặc là sự đóng góp của đông đảo các thế hệ từ đời này qua đời khác.

Còn nguồn lực văn hóa con người ở những vị trí trọng yếu và ở những thời điểm bước ngoặt của cuộc sống đều gắn với những con người cụ thể, ở những vị trí cụ thể. Ứng xử của họ tạo nên những bước ngoặt, tác động không nhỏ đến một đường lối, một trào lưu, trường phái và đặc biệt là số phận của một nhóm người, đôi khi một thế hệ hay một lĩnh vực văn hóa hay chính trị - kinh tế - xã hội của một đất nước hay cộng đồng dân tộc.

“Nguồn lực văn hóa còn ở trong từng con người qua nền văn hóa mà họ được thừa hưởng từ cha ông, từ truyền thống, từ cuộc sống, giáo dục gia đình, trải nghiệm cuộc đời và từ ghế nhà trường… để trở thành con người xã hội. Nguồn lực ấy chi phối con người trong mọi ứng xử của cuộc sống, trước mọi vấn đề phải đối mặt. Nếu có phông văn hóa tốt, có bản lĩnh, sự nhìn nhận và quyết đoán mọi vấn đề một cách có văn hóa, nhân văn và có ích cho xã hội. Hiểu nguồn lực văn hóa như vậy để nhận thấy vai trò của văn hóa là động lực của sự phát triển, văn hóa điều tiết xã hội, con người vô cùng quan trọng” - GS.TS Lê Hồng Lý phân tích và khẳng định - “Vấn đề nguồn lực văn hóa đối với những người được giao nắm trọng trách về văn hóa và đường lối, chính sách phát triển văn hóa hay không là nhờ vào khả năng trí tuệ, tâm, tầm và phông văn hóa mà người ấy có trên nền tảng cơ bản về học thức và văn hóa mà họ được đào tạo. Khi đó, chỉ do một sơ suất hay quyết định không đúng có thể làm thay đổi một số phận con người, cả một đường lối phát triển hay hướng đi của ngành”.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, không chỉ riêng Hà Nội mà ở nhiều nơi, đều có kế hoạch khai thác giá trị di sản văn hóa cho du lịch, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tạo nên tăng trưởng kinh tế nói chung. Điều đó hoàn toàn đúng và cần thiết. Song mặt khác cần nghĩ rộng hơn. Khai thác, khai thông nguồn lực văn hóa ở Hà Nội trước hết và quan trọng nhất là để xây dựng con người Hà Nội hôm nay và mai sau.

Đây là cái đích cần đạt tới. Có nghĩa là khai thông nguồn lực văn hóa có nghĩa vụ kép không thể tách rời nhau là xây dựng nuôi dưỡng các giá trị trong nhân cách con người Hà Nội và góp phần cho phát triển kinh tế du lịch Hà Nội. “Có lúc nào đó, chúng ta chỉ nghĩ đến nhiệm vụ thứ 2” - GS.TS Đinh Xuân Dũng đặt câu hỏi. Có lúc nào đó chúng ta chỉ nghĩ đến làm gia tăng các sản phẩm văn hóa cụ thể cho đời sống hàng ngày của con người mà quên việc đánh giá các sản phẩm đó tác động như nào đến nhân cách, phẩm giá con người? Tích cực hay tiêu cực, bổ ích hay vô bổ, xây đắp hay tàn phá nhân cách?

Phải chăng khai thông nguồn lực văn hóa trước hết không phải là thao tác nghề nghiệp mà lại là khai thông nhận thức, nâng cao trình độ thấu hiểu văn hóa. Hình như điều này đã được nói rất nhiều, đã trở nên mòn, cũ, song, trong thực tiễn, nó vẫn là luôn luôn là một đòi hỏi gắt gay không dễ vượt qua.

GS.TS Đinh Xuân Dũng góp ý thêm rằng, trí thức là lực lượng rất quan trọng trong toàn bộ quá trình văn hóa từ sản xuất, sáng tạo đến truyền bá và nhận định hiệu quả của văn hóa đối với người tiếp nhận. Hà Nội là nơi hội tụ đông đảo tinh hoa đó. Khai thông nguồn lực văn hóa, xét về mặt chủ thể của văn hóa chính là năng lực khai thác, phát huy các nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực rộng lớn của văn hóa để họ trở thành người đồng hành với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp tạo ra các sản phẩm văn hóa đồng thời là người tư vấn, phản biện.

Khai thông nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững của Hà Nội không chỉ là làm sống lại quá khứ, truyền thống trong hiện tại mà còn kích hoạt sức mạnh văn hóa của hiện tại cho sự phát triển của tương lai Hà Nội.

“Lịch sử Việt Nam cho thấy, văn hóa và phát triển không phải là “kẻ thù” mà là những “người bạn”. Đây cũng chính là phương hướng được thể hiện tại Chiến lược quốc gia của chúng tôi tại Việt Nam - đặt văn hóa vào trung tâm của sự phát triển - điều này càng rõ nét khi Việt Nam gia nhập thành công Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cuối 2019. Hà Nội vốn có nhiều di sản để tạo điều kiện phát triển theo phương thức này. Bề dày truyền thống các di sản Hà Nội cũng chính là kết quả trực tiếp của một quá trình sáng tạo và đổi mới mà cũng không kém phần phong phú và độc đáo…”.

Michael Croft
(Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam)

“Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về thành tựu nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những địa chỉ có sức hút rất mạnh đối với du khách trong nước và quốc tế. Có những di sản đã trở thành hình ảnh, biểu tượng đại diện cho đất nước, con người Việt Nam góp phần lan tỏa giá trị Việt Nam ra thế giới. Phải biến tất cả các di sản văn hóa Hà Nội thành nguồn lực văn hóa phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô”.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội)

“Theo nghĩa thông thường dễ nhận thấy, nguồn lực văn hóa thể hiện ở các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể… được hình thành từ khi con người sinh ra xây dựng gia đình, làng xóm, cộng đồng, tộc người và quốc gia…Tuy nhiên, đó là nguồn lực văn hóa mà chúng ta có thể nhìn thấy được, thậm chí đong đếm hay thụ hưởng kết quả của nó. Nhưng, có những nguồn lực vô hình, không phải lúc nào cũng đem ra cân - đong - đo - đếm nhưng lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng - đó là nguồn lực văn hóa con người!”.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa,
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)