Phát huy năm truyền thống quý báu trong 90 năm lịch sử Đảng bộ Hà Nội, nâng cao hơn nữa tầm vóc Thủ đô

ANTD.VN - “Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cần chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu để nâng cao hơn vị thế, tầm vóc của Thủ đô” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói.

Các đại biểu dự hội nghị

Sáng nay, 16-3, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2020). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì.

Các đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội;

Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ; các đồng chí Thành ủy viên; giám đốc các sở, ban, ngành; lãnh đạo các quận, huyện; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thành phố... cùng dự hội nghị.

Trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chỉ hơn 1 tháng, ngày 17-3-1930, Đảng bộ Hà Nội cũng đã được thành lập tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc. Đảng bộ Hà Nội có vinh dự lớn là Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước.

Đã qua 90 mùa xuân, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử; bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng ý thức đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ; Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tóm lược, thành tựu đầu tiên phải kể đến, đó là Đảng bộ Hà Nội đã vững vàng, bản lĩnh vượt qua thử thách, lãnh đạo phong trào cách mạng và tiến hành thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân ở Thủ đô, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại.

Thứ hai, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thứ ba, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong bối cảnh vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Trung ương Đảng và Bác Hồ luôn dành cho Thủ đô Hà Nội niềm tin yêu và kỳ vọng đặc biệt.

Dự Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, một hội nghị có ý nghĩa là Đại hội lần thứ I của Đảng bộ Hà Nội ngày 25-4-1959, Bác căn dặn: “Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu cho các đảng bộ khác”.

Khắc ghi lời Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hà Nội đã tích cực xung kích, đi đầu, là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, tiêu biểu như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”... Ở mỗi phong trào, tinh thần xung kích, đi đầu của người Hà Nội luôn sục sôi khí thế, tràn đầy sức sống.

Từ 1965-1975, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước bằng không quân và hải quân, trong đó Hà Nội phải đối đầu và đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ; sau đó là thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã làm nên nhiều thành tựu mới, bước đầu xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, đồng thời ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam với tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Thứ tư, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới. Những năm gần đây, kinh tế Thủ đô luôn đạt mức tăng trưởng khá. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; TTATXH được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện…

“Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng hiện đóng góp trên 16% GDP và hơn 19% về thu ngân sách cả nước; xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước” – đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Về đối ngoại, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố trên thế giới; tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế lớn diễn ra tại Thủ đô, đã góp phần làm cho Hà Nội trở thành một trong những trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Hình ảnh về “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình” mà UNESCO tôn vinh ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách và bè bạn bốn phương.

5 truyền thống quý báu cần gìn giữ, phát huy

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, lịch sử 90 năm Đảng bộ thành phố Hà Nội là lịch sử đấu tranh, xây dựng, phát triển và trưởng thành. Trong quá trình này, Đảng bộ Hà Nội đã tích lũy, hun đúc nên những truyền thống đáng tự hào mà ngày nay cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Nội có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn, phát huy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị

Thứ nhất, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, chủ động, năng động sáng tạo trong quá trình vận dụng quan điểm, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề ra những chủ trương, quyết sách phù hợp thực tiễn Hà Nội ở từng giai đoạn và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quyết sách đã đề ra.

Thứ ba, đó là truyền thống đoàn kết. Trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều lần chia tách, sáp nhập, nhất là lần mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII).

Công tác sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức với phương châm: “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm” được thấu suốt ở các ngành, các cấp; nhờ vậy đã nhanh chóng ổn định được tình hình, tạo đà cho Hà Nội tiếp tục phát triển vươn lên vị thế mới, tầm cao mới.

Thứ tư, truyền thống gắn kết mật thiết với nhân dân.

Thứ năm, truyền thống tiên phong, gương mẫu, nhân văn trong mỗi cán bộ, đảng viên.

“Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật”” – Bí thư Thành ủy nói.

Nâng cao hơn nữa vị thế, tầm vóc Thủ đô

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị, cần tập trung phát huy các truyền thống tốt đẹp, tiếp tục xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ chụp ảnh chung

Nhiệm vụ trước mắt hiện nay là thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”: Sớm đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đi đôi với bảo đảm sản xuất, kinh doanh; nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2020 và cả nhiệm kỳ khóa XVI; tập trung chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cùng đó, phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới; đẩy mạnh hơn nữa phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khai thác, phát huy có hiệu quả mọi tiềm lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.

Cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển, khắc phục những hạn chế của việc quy hoạch manh mún, không toàn diện và thiếu tính ổn định.

Đặc biệt, cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của nhân dân, tăng cường dân chủ ở cơ sở; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô; Ngăn chặn, xử lý kịp thời các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội...

Cùng đó, cần tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế Thủ đô; Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế; Phát huy tinh thần: Hà Nội vì cả nước - cả nước vì Hà Nội.

“Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu để không ngừng nâng cao hơn vị thế, tầm vóc của Thủ đô “Ngàn năm văn hiến và anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”... Xây dựng Thủ đô thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” – Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.

Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố. Ban đầu, thành phố dự kiến sẽ tổ chức lễ mít tinh trang trọng tại Trung tâm hội nghị quốc gia vào hôm nay, tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và cũng là để tập trung chống dịch nên thành phố đã thay đổi quy mô tổ chức hội nghị cho phù hợp.

Nhằm bảo đảm sức khỏe các đại biểu dự buổi gặp mặt, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã bố trí 1 buồng khử khuẩn toàn thân bên ngoài cửa hội trường Thành ủy Hà Nội.

Phát huy năm truyền thống quý báu trong 90 năm lịch sử Đảng bộ Hà Nội, nâng cao hơn nữa tầm vóc Thủ đô ảnh 5

Các đại biểu thực hiện khử khuẩn trước khi vào hội trường tham dự buổi gặp mặt

100% đại biểu đã thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay khô, được phát khẩu trang và thực hiện khử khuẩn toàn thân trước khi vào hội trường tham dự buổi gặp mặt.

Buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo. Buồng được thiết kế dạng module nên có thể dễ dàng di chuyển, tháo lắp. Mỗi lần khử khuẩn mất từ 15 - 20 giây. Một hệ thống sau khi lắp đặt hoàn chỉnh có thể đáp ứng công suất khử khuẩn lên tới 1.000 người/ngày.