- Điểm tựa xanh nâng bước em đến trường
- Bộ Văn hóa chấn chỉnh hiện tượng phản cảm liên quan đến tục "cướp vợ"
Đông Xuân là xã dân tộc miền núi nằm ở phía Tây huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm huyện khoảng 20km; hơn một nửa diện tích là đồi núi; địa bàn dân cư rải rác, sống chủ yếu theo các sườn đồi sườn núi. Cơ cấu dân cư sinh sống tại 7 thôn với tổng số hơn 5.600 nhân khẩu với 10 dân tộc sinh sống hòa thuận, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 80%.
Từ đặc thù ấy, Công an xã Đông Xuân đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng mô hình “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Phát huy thế mạnh
Đại tá Phạm Danh Mạnh – Trưởng Công an huyện Quốc Oai cho biết, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều chủ trương quan trọng chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng thế nhận An ninh nhân dân vững chắc.
Đồng bào dân tộc thiểu số luôn giữ vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai |
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an huyện Quốc Oai đã phối hợp với cấp ủy, các ban, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp, mô hình hoạt động sáng tạo, sát cơ sở, gần dân, nắm địa bàn thật chắc và kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, hướng đến đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng dân tộc thiểu số.
Một trong các mô hình đang phát huy hiệu quả, được nhân rộng tại địa phương là mô hình “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số”, được triển khai năm 2020, tại xã Đông Xuân.
Mô hình gồm 34 Tổ tự phòng, tự quản tại 7 thôn với 169 thành viên. Đây là mô hình điểm trong đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng có trình tự, thủ tục. Mô hình được phát động sâu rộng, với sự tham gia đông đảo quần chúng nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của trưởng thôn, trưởng cụm dân cư và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. “Ngay thời điểm ra mắt, mô hình đã được UBND huyện Quốc Oai quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với địa phương tổ chức hội nghị tập huấn công tác đảm bảo ANTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho gần 100 cán bộ xã, thôn và tổ trưởng các tổ tự phòng, tự quản qua đó tạo sự chuyển biến sâu sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”, Đại tá Phạm Danh Mạnh chia sẻ.
Kéo giảm phạm pháp hình sự
Thượng úy Sỹ Danh Dũng – Phó trưởng Công an xã Đông Xuân cho biết, triển khai mô hình, các thành viên Tổ tự phòng, tự quản đã phối hợp với lực lượng Công an chủ trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức; Nội dung tuyên truyền sâu rộng như các quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phổ biến luật an toàn giao thông; tuyên truyền về dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp CCCD gắn chip điện tử; công tác phòng, chống dịch Covid-19… Qua đó nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT; ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, các quy ước, hương ước của thôn, khu dân cư; bài trừ các hủ tục lạc hậu; tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Nhiều gương công dân tham gia phòng chống tội phạm ở xã Đông Xuân được khen thưởng |
Các Tổ tự phòng, tự quản về ANTT luôn chủ động phối hợp với MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở gắn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua; khơi dậy trong quần chúng nhân dân tinh thần tương thân tương ái, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để từ đó hăng hái, nỗ lực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, cung cấp nhiều tin có giá trị trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Trong gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số”, tình hình an ninh, trật tự địa bàn luôn được giữ vững ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương”, Thượng úy Sỹ Danh Dũng nhìn nhận. Năm 2020, địa bàn xã xảy ra 5 vụ việc phạm pháp hình sự, giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Đến năm 2021, trên địa bàn xã chỉ xảy ra 3 vụ việc phạm pháp hình sự.
Trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các Tổ tự phòng tự quản về ANTT gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19 trong từng khu dân cư. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an xã, các Tổ tự phòng, tự quản về ANTT đã thành lập 9 chốt tự quản bảo vệ "vùng xanh" để kiểm soát người và phương tiện 24/24h tại các thôn, với sự tham gia tình nguyện của hơn 100 lượt người dân.
“Khi xây dựng và triển khai mô hình Tổ tự phòng, tự quản, địa phương luôn xác định đội ngũ người có uy tín là hạt nhân, nòng cốt của mô hình”, chỉ huy Công an xã Đông Xuân chia sẻ. Người có uy tín không chỉ gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào ở khu dân cư xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương; các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi đã được loại bỏ.
Hàng năm, Đông Xuân có trên 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, không bị ô nhiễm, không có dịch bệnh lây lan; 100% số trẻ em được đi học đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học; 100% thanh niên thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ CAND; nhân dân chấp hành tốt việc giao nộp thuế và các khoản đóng góp cho nhà nước, tập thể theo quy định.
Thực hiện mô hình, Đông Xuân đã xuất hiện nhiều người uy tín tiêu biểu, trong đó có anh Nguyễn Văn Hiện - Phó Bí thư Chi bộ thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc và địa phượng tặng Bằng khen, Giấy khen nhiều năm liền…