Chuyện nhặt chốn tâm thần (3):

Phát hoảng khi bệnh nhân đè bác sĩ ra đòi...

ANTĐ - "Bác sĩ cho mượn áo đi, cho mượn cả tai nghe nữa" - tưởng chừng "chiều" bệnh nhân như vậy, anh ta sẽ cho mình thăm khám sức khỏe, nào ngờ, chỉ quay đi quay lại, bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng đã bị bệnh nhân đè ra: "Nằm xuống để em tiêm cho!".
"Các bác sĩ làm tôi thất vọng quá!"
Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương - Hà Nội) được một phen tá hỏa với bệnh nhân. Bệnh nhân tâm thần đòi anh phải cho mượn cái áo blouse rồi mới để yên cho khám. Nhưng chưa khám được mấy, bệnh nhận lại đòi mượn tiếp cái tai nghe để đo nhịp tim cho bác sĩ. 
Tưởng chừng đã ngồi yên để bác sĩ khám, nào ngờ: "Quay đi quay lại đã thấy anh ta cầm luôn kim tiêm đè bác sĩ ra định tiêm thật" - bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng kể.
B
Có bệnh nhân từng nói với tôi: "Các bác sĩ làm tôi thất vọng quá!"

Bác sĩ Dũng đã có lần điều trị cho một bệnh nhân, anh ta có nhiều tiến triển và được ra viện. Nhưng chỉ mấy hôm sau đã thấy quay lại và nằng nặng đòi nhập viện vì: “Ở nhà chán lắm, bác sĩ ạ! Quay lại đây mà em thấy sướng như ở khách sạn vậy”.

Có lẽ khó tưởng tượng nhất là những lần bác sĩ ngồi nghe bệnh nhân "phê bình". Bác sĩ Dũng từng ngồi nghe bệnh nhân phàn nàn về “chất lượng” của bệnh viện: “Nói thật với bác sĩ là tôi cảm thấy chất lượng của bệnh viện mình không được tốt lắm.
Trước đây, tôi đọc báo thấy nói ở bệnh viện tâm thần có nhiều cô gái đẹp, chỉ vì kén quá, ế chồng mà phải vào viện nằm, thế nên tôi mới đồng ý vào đây điều trị. Nhưng mà tôi vào đây bao lâu rồi, vẫn chẳng thấy cô nào xinh cả. Các bác sĩ làm tôi thất vọng quá!”.
 
Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Thanh Hương (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) thì còn được bệnh nhân nịnh và tỏ ra rất thông cảm: “Em đã có thâm niên 10 năm ở viện rồi nhưng vẫn thấy bác sĩ xinh, thậm chí còn đẹp hơn cả ngày xưa nữa. Mà em cũng thương bác sĩ lắm vì em vào đây còn mong có ngày ra viện chứ bác sĩ thì chẳng biết đến ngày nào!”.
Phải hôn bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hương vẫn còn nhớ những kỉ niệm của ngày đầu tiên thực tập làm bác sĩ tâm thần. 
"Lúc đó, nhóm của chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn các bệnh nhân chơi với nhau, với mục đích giúp các bệnh nhân tăng khả năng giao tiếp, cởi mở hơn với mọi người xung quanh".

Trò chơi ban đầu rất đơn giản, các bác sĩ cùng bệnh nhân chia thành từng cặp đứng đối diện, nhìn vào mắt nhau rồi từng người nói những bộ phận mình thích nhất trên cơ thể người kia.

Đôi khi
Các bác sĩ cho biết, phải thường xuyên tổ chức những trò chơi để bệnh nhân tăng khả năng giao tiếp. Ảnh: Hoàng Sơn.
Tôi thì nói với bệnh nhân đối diện mình rằng, tôi thích đôi bàn tay của bạn. Trong khi đó, một cô bạn trong nhóm tôi thì nói với bệnh nhân của mình rằng, cô ta thích cái lưỡi của bệnh nhân.
Nhưng đến phần 2 của trò chơi thì mới thực sự ấn tượng và bất ngờ vì ai nói thích bộ phận nào trên cơ thể người kia thì phải hôn vào chỗ đó.
"Thế là cả bệnh nhân và các bác sĩ được một trận cười nghiêng ngả khi chứng kiến cô bạn tôi hôn anh chàng bệnh nhân đang ngơ ngác đứng thè lưỡi trong góc phòng".
Có lần, bác sĩ Hương đón một bệnh nhân mới nhập viện. Anh bệnh nhân thở dài: “Không phải em bị điên đâu bác sĩ ạ, chỉ vì công việc làm ăn không thuận lợi, phải nghĩ ngợi nhiều nên hơi lẩn thẩn tí thôi. Nhưng vợ em cứ nằng nặc bắt vào đây khám, em thương vợ nên đi thôi”.
Tôi tưởng bệnh nhân vẫn còn minh mẫn, nhưng vừa quay đi thì anh ta gọi giật lại: “Không sao đâu bác sĩ ạ, em đã quyết định rồi, để cứu công ty, em quyết định sẽ bán cầu Long Biên, nếu chưa đủ tiền thì bán nốt cả cầu Chương Dương nữa”.

TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho hay: Có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hoang tưởng nhưng lại có thể phát minh, nghiên cứu, sáng chế ra một thứ đồ vật gì đó... Thực tế, rất nhiều bệnh nhân nói năng lưu loát, trí nhớ tốt, thậm chí nhớ tốt hơn người bình thường. Thậm chí, những người bình thường khó có thể nhận biết được những điểm bất thường ở những bệnh nhân này. Chỉ khi nói chuyện thật lâu với bệnh nhân, các bác sĩ mới phát hiện ra những bất thường đó.