Phát hiện, xử lý nghiêm tiêu cực trong ngân hàng

ANTĐ - Ngay sau khi Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV, Tổng cục Cảnh sát PCTP - Bộ Công an thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP OceanBank, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. 
Phát hiện, xử lý nghiêm tiêu cực trong ngân hàng ảnh 1

- PV: Liên quan đến công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), ông nhận định ra sao về loại tội phạm này?

- Ông Đinh Xuân Thảo: Tội phạm kinh tế hoạt động khá phức tạp và gây ra những vụ án nghiêm trọng, nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động hiện nay. Chúng thường lợi dụng công tác quản lý lỏng lẻo, tìm kẽ hở để hoạt động phạm pháp với nhiều thủ đoạn. Đây là lĩnh vực mà các cơ quan chức năng của Bộ Công an rất quan tâm chú ý phát hiện, lập kế hoạch đấu tranh. Từ trước đến nay, công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng luôn được Bộ Công an thực hiện có hiệu quả, phát hiện và khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn. 

Tội phạm kinh tế liên quan đến ngân hàng luôn hoạt động với phương thức tinh vi, xảo quyệt, bởi những kẻ phạm tội đều có trình độ học vấn cao. Do vậy, chúng ta cần phải có một quyết tâm cao trong đấu tranh chống tội phạm kinh tế liên quan đến ngân hàng và phải làm thường xuyên, liên tục, đến nơi đến chốn. 

- Theo ông, có những khó khăn nào trong việc xử lý tội phạm ngân hàng?

- Vấn đề lợi ích nhóm cũng có thể có, nhưng chỉ có chừng mực thôi. Qua một số vụ án lớn liên quan đến ngân hàng vừa qua, nhiều người ban đầu e ngại, nhưng sau vẫn xử lý nghiêm khắc những đối tượng phạm tội. Quan trọng nhất đối với ngân hàng là niềm tin của người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng. 

- Từ vụ việc xảy ra tại Ngân hàng OceanBank, theo ông hệ thống ngân hàng cần phải rút kinh nghiệm những vấn đề gì?

- Chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào đầu tư công, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Ngoài việc sắp xếp lại cơ cấu, ngân hàng còn giải quyết nợ xấu và phải kiện toàn lại tổ chức bộ máy, kiên quyết đào thải những cán bộ có phẩm chất, năng lực yếu kém ra khỏi đội ngũ. Nếu cứ để “trăm hoa đua nở” như hiện nay, thì khó có thể giải quyết được những tồn tại trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, điều tiên quyết bây giờ là phải phát hiện và xử lý nghiêm những tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.