Phát hiện vàng trong chất thải đô thị

ANTĐ - Chất thải đô thị có thể là một mỏ vàng,  theo các nhà khoa học, có thể khai thác được các kim loại quý như vàng, bạc, đồng… với tổng giá trị 13 triệu USD mỗi năm từ chất thải của thành phố có một triệu dân.

Phát hiện vàng trong chất thải đô thị ảnh 1Những hạt chì và vàng trong một mẫu chuẩn lấy từ hệ thống thoát nước được quan sát dưới kính hiển vi

Thu 13 triệu USD/năm từ rác thải

Tại Hội nghị Quốc gia lần thứ 249 của Hiệp hội Hóa học Mỹ diễn ra ở Denver, các nhà khoa học đã khẳng định rằng, chất thải đô thị có thể là một mỏ vàng. Đây là kết luận sau 8 năm nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ do nhà địa chất học Kathleen Smith chủ trì. Trên thực tế, sự tồn tại của nhiều kim loại quý trong rác thải đã không còn là bí mật từ lâu. Theo đánh giá của nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Arizona được công bố gần đây, trong mỗi tấn chất thải có chứa một lượng kim loại quý trị giá 280 USD. 

Nói cách khác, về mặt lý thuyết, hàng năm có thể khai thác được các kim loại quý như vàng, bạc, đồng… trị giá khoảng 13 triệu USD từ rác thải của thành phố có 1 triệu dân. Đối với Matxcơva, thành phố có 20 triệu dân, từ hệ thống thoát nước của thành phố, ngân sách có thể được bổ sung 260 triệu USD tương đương 15,6 tỷ rúp, bằng 1% tổng ngân sách của thành phố này năm 2015.

Nhóm các nhà khoa học của Tiến sĩ Kathleen Smith khẳng định rằng, các chất thải rắn có nguồn gốc sinh học có thể tách được các kim loại để bán và thu lợi và họ còn cung cấp công thức tách các kim loại đó. Đây là lợi ích kép: Vừa thu được các kim loại có giá trị và đồng thời ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Tiến sĩ Smith cho biết: “Những kim loại này có ở khắp mọi nơi. Nó có trong dầu gội đầu, chất tẩy rửa, chất khử mùi… Bất kể xuất xứ của chúng từ đâu, tất cả các kim loại này đều đi qua nhà vệ sinh cùng với chất thải khác. Sau khi qua các trạm xử lý nước thải, hầu hết các kim loại sẽ tồn tại ở dạng chất thải rắn”.

Tách kim loại có hại để bảo vệ môi trường

Mục tiêu chính của nhóm nghiên cứu là đánh giá những thiệt hại do các kim loại nặng có trong chất thải đô thị gây ra và cố gắng tách chúng ra để bán. Tiến sĩ Smith nói: “Chúng tôi quan tâm trước hết đến những kim loại có giá trị và quan trọng về công nghệ như đồng hoặc vanadi”.                                                         

Các nhà khoa học thực hiện tách các kim loại theo phương pháp công nghiệp, khi thử nghiệm đã dùng đồng thời các hợp chất hóa học khác nhau. Nhiều nhà khoa học cho rằng một số hóa chất được dùng để tách kim loại sẽ gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Smith, hoàn toàn có thể sử dụng nó một cách an toàn nếu có cơ chế kiểm soát thích hợp.

Trong các mẫu chất thải rắn được lấy ngẫu nhiên tại 3.300 trạm xử lý nước thải ở Mỹ, các nhà khoa học đã khảo sát được hàm lượng của 28 kim loại. Nhiều kim loại trong số đó có hàm lượng đủ để có thể khai thác theo phương pháp công nghiệp. Cụ thể: Hàm lượng bạc thay đổi trong khoảng 12-61 mg/kg, đồng -  474-845 mg/kg, còn vanadi - 11-128 mg/kg.

Các nhà khoa học quan tâm đến những kim loại này không chỉ xuất phát từ khả năng có thể khai thác vì mục đích thương mại mà còn vì các mối nguy hiểm của nó đối với môi trường, trước tiên là chì - kim loại cần phải loại bỏ khỏi các chất thải rắn.