Phát hiện thiên thể lớn nhất trong vũ trụ

ANTĐ -  Các nhà thiên văn học đã phát hiện được thiên thể lớn nhất từng biết đến trong vũ trụ. Đây là một lỗ đen siêu khổng lồ nằm ở trung tâm dải ngân hà NGC 1277 thuộc chòm sao Perseus. Hố đen này cách trái Đất 228 triệu năm ánh sáng.

Phát hiện này được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học Đức thuộc Viện nghiên cứu Thiên văn ở Heidelberg trong quá trình phân tích những hình ảnh của dải thiên hà được kính viễn vọng phổ hồng ngoại Hobby-Eberly chụp lại. Lỗ đen thuộc dải thiên hà thuộc chòm sao Perseus chứa một lượng lớn vật chất có khối lượng lớn gấp 14 đến 20 triệu lần mặt Trời của chúng ta, tạp chí Rossiyskaya tiết lộ.

Theo các nhà khoa học, hố đen này có kích thước tương đương hơn 14% khối lượng của toàn thiên hà, khác hoàn toàn với các siêu hố đen bình thường chỉ chiếm khoảng 0,1%. Trước đó, thiên thể nặng nhất trong vũ trụ là một hố đen thuộc dải ngân hà NGC 4889 có khối lượng gấp 9,8 triệu lần mặt Trời.

“Đây là thiên hà thực sự kỳ lạ. Gần như toàn bộ nó là lỗ đen. Có thể nó là thiên thể thuộc một lớp mới trong các hệ thống lỗ đen dạng thiên hà”, giáo sư Karl Gebhardt nói.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả trên có thể thay đổi lý thuyết hình thành và phát triển của các lỗ đen vũ trụ.

Các nhà vật lý vũ trụ tin rằng trung tâm của hầu hết các dải thiên hà khổng lồ luôn chứa ít nhất một lỗ đen. Bản chất sự hình thành các vật thể này chưa thể lý giải một cách rõ ràng được nhưng họ tin các lỗ đen được hình thành trong quá trình nén trọng lực vô hạn thường xảy ra sau khi những ngôi sao lớn chết đi. Chúng tạo ra một lực kéo trọng lực cực mạnh mà không có loại vật chất hay thậm chí là ánh sáng có thể thoát ra được.