Phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận

ANTĐ - Ngày 22-10, Quốc hội đã nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ. Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu.

Đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
 trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội chiều qua 22-10

Xử lý tham nhũng bằng... kỷ luật

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã thành lập 7 đoàn công tác tại 4 bộ, ngành và 11 địa phương để kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. 

Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm. Đặc biệt, còn tình trạng lợi dụng các quy định thiếu chặt chẽ của pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

Thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp

Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan phát hiện được là rất lớn, nhưng việc phát hiện ra hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít. Trong kỳ báo cáo, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất, nhưng chỉ mới thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng, đạt dưới 10% số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi.

Tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại một số doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Qua giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp ở một số địa phương và dư luận, báo chí cho thấy, số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện. 

Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu thực tế có tình trạng áp dụng hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ. Một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo. Vì thế, dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử lý kỷ luật, hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh.

Kê khai chưa tự giác

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, hiện nay, chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản và chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào... sự tự giác của người phải kê khai.  

Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích tại TP.HCM nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có người nhận tới 2,6 tỷ đồng/năm, kéo dài qua nhiều năm nhưng hoạt động kê khai, minh bạch tài sản đã không phát hiện được, cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa này.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Phải hạn chế tối đa án treo

Phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận ảnh 2

Các cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách phải tập trung làm rõ các vụ án và phải có chỉ tiêu cụ thể. Nếu không giao chỉ tiêu cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, thì cũng chỉ là mơn man bên ngoài và chỉ “đánh” tham nhũng vặt thôi. 

Chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng là rất đúng, được nhân dân đồng tình ủng hộ; nhưng biện pháp và cách thức thực hiện còn yếu. Vấn đề là tổ chức thực hiện, tập trung khám phá, nâng cao hiệu quả và phải hạn chế tối đa án treo. Hàng năm, Chính phủ phải chỉ rõ các địa phương, các bộ, ngành làm tốt, làm chưa tốt trong lĩnh vực này, kể cả Tòa án phải báo cáo tình hình cho hưởng án treo trong các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Việc báo cáo đầy đủ là để Quốc hội đánh giá, cho ý kiến và từ đó quyết định các biện pháp tiếp theo. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Tỷ lệ phát hiện tham nhũng còn thấp

Phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận ảnh 3

“Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý nhưng công cuộc đấu tranh PCTN mới chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, còn việc xử lý tham nhũng không phản ánh đúng sự việc xảy ra, mặc dù chúng ta vẫn nói là “nghiêm trọng”, “một bộ phận cán bộ”... Tỷ lệ phát hiện tham nhũng rất thấp so với thực tế. Chính vì thế nhân dân có quyền đòi hỏi cơ quan Nhà nước phải tăng cường quản lý hoặc phát hiện tham nhũng. Tham nhũng thời gian qua đa số do báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện chứ trong nội bộ các bộ, ngành phát hiện và đấu tranh với công tác PCTN còn có những hạn chế nhất định.”

Anh Phương (Ghi)

Trong năm 2013, TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 %; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 %.