Trung Quốc:

Phát hiện sữa nhiễm độc có thể gây ung thư

ANTĐ - Trong số 200 sản phẩm bơ sữa vừa được kiểm nghiệm trên toàn quốc, Trung Quốc đã phát hiện hàm lượng quá mức độc tố gây ung thư trong sữa do Mông Ngưu, một trong những hãng sữa hàng đầu nước này sản xuất. Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt những vụ bê bối an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.

Người tiêu dùng Trung Quốc mua sữa Mông Ngưu trong siêu thị

Cơ quan giám sát chất lượng thực phẩm Trung Quốc đã phát hiện hàm lượng chất độc tạo thành trong bào tử của nấm Aspergillus flavus trong sữa sản xuất tại nhà máy My Sơn của hãng ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Mỗi kilôgram sữa có chứa 1,2 microgram độc tố aspergillus flavus M1, trong khi tiêu chuẩn tối đa cho phép chỉ là 0,5 microgram trên mỗi kilôgram.

Trong một thông báo đưa ra hôm 25-12, Tập đoàn Mông Ngưu cho biết, do được phát hiện kịp thời nên lượng sữa nhiễm độc chưa được bán ra thị trường. Hãng cũng lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng đồng thời cho biết, toàn bộ sản phẩm nhiễm độc đã bị tiêu hủy. Theo Tổ chức Y tế thế giới, độc tố aspergillus flavus M1, có thể được tìm thấy trong sữa do thức ăn của bò nhiễm độc, có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong đó có ung thư gan.

Sau khi vụ việc được phát hiện, các chuyên gia đã thúc giục các hãng sản xuất bơ sữa tăng cường kiểm tra kiểm soát chất lượng sản phẩm thức ăn của bò. Ông Trần Quân Thạch, một chuyên gia về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trung Quốc cho rằng các mẫu thức ăn cho bò nên được kiểm tra để đảm bảo lượng độc tố ở mức an toàn. Theo ông Trần Quân Thạch, hầu hết thức ăn cho bò hiện nay được làm từ ngô, nơi độc tố aspergillus flavus M1 dễ dàng phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt.

Vụ bê bối cũng gây ra những tranh luận nóng bỏng trên mạng internet về trách nhiệm chính của hãng Mông Ngưu. Theo một cuộc khảo sát của trang mạng Sina Weibo hôm 26-12, 54% trong số 1.915 người được hỏi nói rằng sự thiếu trách nhiệm của Mông Ngưu đối với người dân là nguyên nhân chính đằng sau vụ bê bối sữa nhiễm độc. Trong khi 797 người, chiếm khoảng 42% số người được khảo sát cho rằng vụ bê bối là do hãng thiếu năng lực kiểm soát chất lượng. “Điều người tiêu dùng muốn không phải là một lời xin lỗi đơn giản hay hứa hẹn, mà là các sản phẩm có chất lượng”, Hạ Tuyết Loan, giáo sư xã hội học tại trường Đại học Bắc Kinh nói.  

Sau hàng loạt các vụ bê bối, Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn các hoạt động vi phạm an toàn thực phẩm nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng. Hồi tháng 9-2011, nhà chức trách nước này đã bắt giữ 32 người sản xuất dầu ăn “bẩn”.