Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Cấp cao về HIV/AIDS 2021:

Phát hiện sớm, điều trị ngay, nỗ lực chiến thắng đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã khai mạc Hội nghị Cấp cao về HIV/AIDS 2021 ngày 8-6. Phát biểu từ Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, cùng nhau trải qua gần 4 thập kỷ ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam luôn dành cho phòng, chống HIV/AIDS cam kết rất cao về chính trị và cùng với rất nhiều giải pháp đồng bộ từng bước tiến tới kiểm soát, kiềm chế được đại dịch này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir, Phó Tổng Thư ký Amina J. Mohammed và Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima đánh giá cao sự tham gia tích cực của các quốc gia thành viên trong việc đối phó với dịch bệnh HIV/AIDS trong nhiều năm qua. Các ý kiến đánh giá “lạc quan thận trọng” về việc thế giới có thể đạt được mục tiêu đẩy lùi căn bệnh chết người này vào năm 2030. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng, AIDS là dịch bệnh của bất bình đẳng, nếu muốn đẩy lùi AIDS vào năm 2030 thì bắt buộc phải đầy lùi bất bình đẳng. Đây vừa là điều kiện, vừa là kết quả của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030.

Theo UNAIDS, tính đến năm 2020, thế giới có 37,6 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó 27,4 triệu người đang được điều trị, gấp hơn 3 lần so với con số 7,8 triệu người được ghi nhận vào năm 2010. Trong một thập kỷ qua, số người tử vong do HIV/AIDS đã giảm 43% xuống còn 690.000 người vào năm 2020. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao nhất khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến căn bệnh này trở nên khó khăn hơn.

Phát biểu từ Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết, 5 năm trước, mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) đã được đặt ra, mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng trên phạm vi toàn cầu, gần như chưa một quốc gia nào đạt được mục tiêu này. Chúng ta cần nhanh hơn nữa để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

“Từ thực tiễn ở Việt Nam, việc bảo đảm tài chính là hết sức cần thiết. Chúng tôi đã tận dụng nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, cùng với ngân sách của Nhà nước, bảo hiểm y tế và chúng tôi đã bảo đảm được bền vững”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xử lý rất tốt việc điều trị cho người bệnh và đã đạt 96% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV . “Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để người dân tự phát hiện ra virus sớm hơn và khi phát hiện ra virus rồi thì được điều trị ngay. Một bài toán rất quan trọng là chúng ta làm sao để người dân thấy việc phát hiện sớm và tiếp cận cơ sở y tế để được điều trị sớm là một việc hết sức bình thường. Điều bình thường này chính là điều cần chúng ta phải nỗ lực nhiều nhất”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, với sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ chiến thắng được đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. “Tôi xin nhắc lại lời cam kết của Việt Nam, cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế, rằng để đạt được mục tiêu 90-90-90 và sắp tới đây là mục tiêu 95-95-95, chúng ta cần nỗ lực 100-100-100 và hơn thế nữa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.