Phát hiện rất nhiều trường đại học quốc tế "ảo" cấp văn bằng cho người học Việt Nam

ANTD.VN - Thông tin về hàng chục nghìn văn bằng quốc tế không được Việt Nam công nhận khiến nhiều người có ý định hoặc đang đi du học lo lắng.

Nguyên nhân không được công nhận

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, con số này không phải là con số thống kê mà chỉ ước tính dựa trên thực tế nhu cầu theo học các chương trình quốc tế, từ bậc cao đẳng đến tiến sĩ. Bởi thực tế, Bộ GD-ĐT không quy định các văn bằng quốc tế đều phải có chứng nhận của Bộ mà là xuất phát từ nhu cầu người sử dụng hoặc cơ quan nơi người có văn bằng làm việc.

Theo Cục Quản lý chất lượng, tại Trung tâm công nhận văn bằng thuộc Cục,  số lượng văn bằng không được chứng nhận chỉ vài trăm bộ.

Ông Vũ Ngọc Hà, Trung tâm công nhận văn bằng cho biết, hàng năm, có gần 4.000 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng giáo dục đại học và nhiều công văn của các cơ quan, tổ chức hỏi về công nhận văn bằng của nước ngoài. Trong số này, cũng có hàng trăm bộ hồ sơ không được công nhận.

Nguyên nhân chính là qua quá trình kiểm định các văn bằng phát hiện nhiều cơ sở đào tạo ảo, chứng nhận kiểm định giả nên dẫn đến văn bằng không thể xác nhận.

Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, các tổ chức kiểm định giả, trường đại học giả...  vẫn cấp bằng cho học viên Việt Nam đã được phát hiện rất nhiều, cần phải cảnh báo tới người học.

Bên cạnh đó, còn có không ít trường hợp tuyển sinh sai như: Bằng Trung cấp vào học thạc sĩ, Cao đẳng học thẳng lên Master, chứng chỉ nghề vào thẳng năm cuối đại học hoặc chứng chỉ ngoại ngữ không đảm bảo chuẩn quốc tế... nên những văn bằng đó không được công nhận hoặc một số trường hợp chỉ công nhận với mục đích học tập.

Cơ quan chức năng cảnh báo về tình trạng mua bán văn bằng online

Cảnh báo với các chiêu chào mời bất thường

Vậy làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người học trong nước là một câu hỏi đang được đặt ra với các nhà quản lý. Cục Quản lý chất lượng cho biết, văn bằng không được công nhận còn do trường cấp văn bằng không được quốc gia sở tại kiểm định hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo; văn bằng của chương trình liên kết đào tạo không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng của nước sở tại của trường cấp bằng hoặc không được nước đặt chương trình đào tạo cho phép triển khai. 

Để tránh trường hợp này, Cục Quản lý chất lượng vẫn thường xuyên cập nhật thông tin các cơ sơ đào tạo nước ngoài hoặc liên kết đào tạo trên trang web của Cục. Đây là thông tin chính thống giúp người học kiểm tra thông tin về trường mình theo học ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục này cũng khuyến cáo người học phải đặc biệt cảnh giác với những lời chào mời các chương trình học có lợi bất thường cho người học như rút ngắn thời gian đào tạo, không cần thành thạo tiếng Anh... vì đây đều là những chương trình không được kiểm duyệt.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo từ xa cũng không được Bộ công nhận văn bằng vì hiện văn bằng của các chương trình đào tạo từ xa của các trường nước ngoài chưa được Bộ GD&ĐT cho phép triển khai ở Việt Nam do khó quản lý chất lượng.

Cần nắm vững quy định về văn bằng

Theo quy định hiện hành, việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thực hiện theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20-12-2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 77.

Cụ thể, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp: Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng; 

Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết hay là thành viên (người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng);

Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.