Phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN -  Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), từ đầu năm 2020 đến nay, đã phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Nhận diện thủ đoạn

Trong số đó, có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền. Riêng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; đang tiếp tục xác minh hơn 10 vụ.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an”.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an”.

Từ thực tiễn tình hình và công tác đấu tranh, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận diện 6 phương thức, thủ đoạn chủ yếu của dạng tội phạm này gồm:

Thứ nhất, các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, yêu cầu khác nhau như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

Gần đây, sau khi cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và đấu tranh quyết liệt với tội phạm này, các đối tượng đã chuyển qua hình thức mạo danh cán bộ ngân hàng, nhân viên bưu điện thông báo về tài khoản ngân hàng bị lỗi, nợ cước điện thoại để yêu cầu người dân phối hợp giải quyết.

Thứ hai, lừa đảo qua các mạng xã hội, cụ thể như: Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị... sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.

Thứ ba, tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản, cụ thể như: Tấn công hộp thư thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.

Thứ tư, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử như: Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Thứ năm, thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Thứ sáu, giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.

“Nguyên tắc vàng” để tránh mất tiền oan

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, đề nghị nhân dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin các nhân trên mạng xã hội.

Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ an toàn của mật khẩu (kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt).

Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử. Không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà chúng ta không chắc chắn nguồn gửi đến. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy.

Thực hiện các biện pháp để bảo vệ thiết bị cá nhân kết nối, truy cập các dịch vụ trên không gian mạng bằng các công cụ bảo mật, phần mềm diệt virus mạnh. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Tháng 1-2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an tỉnh Quảng Nam, CATP Hồ Chí Minh đấu tranh, triệt phá chuyên án bắt giữ, khởi tố 10 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng người Malaysia; đã phong tỏa 55 tài khoản của bị hại là người Việt Nam với số tiền 3,7 tỷ đồng và nhiều tài sản, tài liệu có liên quan, tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên tới hơn 500 tỷ đồng;

Tháng 6-2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Facebook, bắt giữ 3 đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 500 nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền cho đoạt lên đến 117 tỷ đồng...