Phát hiện HIV, ung thư nhanh bằng “mắt thường”

ANTĐ - Các nhà nghiên cứu ở Anh đã phát triển một phương pháp xét nghiệm bằng “mắt thường” để phát hiện sớm HIV và ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp này được đánh giá là đơn giản, lại tiết kiệm tiền nên đặc biệt có lợi ở các nước nghèo.

Trong một bài báo đăng trực tuyến trên Nature Nanotechnology ngày 28-10,  2 nhà khoa học Roberto de la Rica và Molly Stevens từ Đại học Hoàng gia London đã trình bày công nghệ cảm biến hình ảnh để phát hiện dấu ấn sinh học của virus HIV và bệnh ung thư trong các mẫu máu. Stevens, Giáo sư Khoa Vật liệu và Kỹ thuật Sinh học giải thích, sản phẩm của họ gọi tắt là p24, do dựa trên cảm biến sinh học rất nhạy cảm nên có thể phát hiện từ chỉ một vài phân tử. Huyết thanh được phân tích bằng phản ứng với hạt nano vàng. Nếu chất phân tích có chứa PSA (chỉ dấu sinh học của bệnh ung thư tuyến tiền liệt), phản ứng sẽ tạo ra các khối bất thường của hạt nano, cùng với đó là bình chứa bên trong sẽ chuyển sang màu xanh. Ngược lại, nếu kết quả là âm tính, dụng cụ sẽ chuyển sang màu đỏ. Trong cả hai trường hợp, các phản ứng này có thể được nhìn thấy bằng mắt thường.

“Với phương pháp xét nghiệm này, chúng tôi hy vọng sẽ phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV và các chỉ số của bệnh ung thư để mọi người có thể được điều trị sớm hơn", nhà nghiên cứu Roberto de la Rica nói. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tiếp cận các tổ chức y tế phi lợi nhuận toàn cầu để đưa thử nghiệm từ phòng thí nghiệm vào sản xuất và phân phối, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.