Phát hiện hàng loạt son môi có chất Sudan nguy hiểm

 (ANTĐ) - Chỉ 2 ngày sau khi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội công bố với báo chí rằng không có chất Sudan trong mỹ phẩm, thì kết quả kiểm nghiệm ban đầu của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế) đã phát hiện một loạt mẫu có chất nguy hiểm này trong son môi.

Phát hiện hàng loạt son môi có chất Sudan nguy hiểm

 (ANTĐ) - Chỉ 2 ngày sau khi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội công bố với báo chí rằng không có chất Sudan trong mỹ phẩm, thì kết quả kiểm nghiệm ban đầu của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế) đã phát hiện một loạt mẫu có chất nguy hiểm này trong son môi.

Khi cần sử dụng, nên lựa chọn son môi của các hãng có uy tín. Ảnh minh họa
Khi cần sử dụng, nên lựa chọn son môi của các hãng có uy tín. Ảnh minh họa

Việc kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương được tiến hành độc lập theo yêu cầu của Bộ Y tế. Có 24 mẫu son môi, gồm cả son gió và son màu, có nhãn mang hiệu Hengfang, Lipbalm, Shilulan (Trung Quốc), E Z’up, Essance... (Hàn Quốc), Rosee, Rhoto... (Nhật Bản), được Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương mua trên thị trường Hà Nội và Quảng Trị. Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của Viện, có 9/24 mẫu có kết quả dương tính với Sudan.

Trong đó, kiểm tra 5 mẫu son gió (vỏ màu xanh, vàng đậm, vàng nhạt, đỏ, tím nhạt), mang nhãn hiệu Lipbalm, phát hiện 2 mẫu vỏ màu vàng đậm và tím nhạt có chứa Sudan I, một mẫu có chứa Sudan IV. Trong 4 mẫu son gió (vỏ đỏ, xanh, vàng, tím nhạt) mang nhãn hiệu Hengfang, phát hiện 3 mẫu đỏ, xanh, vàng có chứa cả Sudan I và IV, một mẫu có chứa Sudan IV. Trong khi đó, 2 mẫu son màu thì phát hiện một mẫu có chất Sudan I. Kết quả kiểm tra 2 mẫu son gió (vỏ màu hồng và màu xanh) mang nhãn Shilulan thì phát hiện loại son gió vỏ màu hồng có Sudan I (4 mẫu son màu mang nhãn Shilulan không phát hiện thấy Sudan).

Còn lại 2 mẫu son Essance, 1 mẫu Avon, 1 mẫu Rhoto, 2 mẫu E Z’up, 1 mẫu Rosee chưa phát hiện thấy có Sudan.

Điều đáng chú ý là các sản phẩm son môi nói trên đều không có ký hiệu về đăng ký mỹ phẩm của Bộ Y tế. Trước đây, loại son gió vốn được coi là ít có khả năng có chất Sudan (chất này thường dùng để tăng độ đậm màu), cũng phát hiện chất độc hại có thể gây ung thư này.

Trước đó, ngày 21-5-2007, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã công bố kết quả xét nghiệm do Trung tâm kiểm định Dược phẩm – Mỹ phẩm Hà Nội tiến hành đối với 4 mẫu son môi nghi ngờ chứa Sudan thu giữ tại chợ Ngã Tư Sở. Theo đó, 3 mẫu son Zhoubang số 12, 18, 22 và 1 mẫu Jian Nua số 020 đều không phát hiện thấy chất Sudan.

Có thể lý giải sự khác biệt giữa kết quả kiển nghiệm của Trung tâm kiểm định Dược phẩm – Mỹ phẩm Hà Nội và Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương là do số mẫu Trung tâm kiểm định Dược phẩm – Mỹ phẩm Hà Nội tiến hành kiếm nghiệm quá nhỏ (4 mẫu). Những mẫu được kiểm tra không có nhưng các mẫu khác trên thị trường lại có thể có chất Sudan.

Theo Thạc sĩ Bùi Thị Hòa, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, người tiêu dùng nên cảnh giác cao với các mặt hàng son gió, son màu (mỹ phẩm nói chung) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành của Bộ Y tế, để tránh những nguy hại đối với sức khỏe.

Minh Vũ