Phát hiện dấu tích người tiền sử tại hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông)

ANTD.VN -Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm KHCNVN vừa công bố kết quả tìm kiếm và khai quật sơ bộ di chỉ khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông)

Việc phát hiện di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) dựa trên cơ sở những dấu hiện rất khả quan về tiềm năng di chỉ khảo cổ của khu vực nghiên cứu do Tiến sĩ La Thế Phúc chủ trì thực hiện trên đề tài “Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông”.

Cuộc khai quật sơ bộ đã phát hiện hàng loạt địa điểm chứa di tích khảo cổ tiền sử. Tại suối Lồ Ồ, tìm thấy các hiện vật gồm như rìu đá, cối đá; Thôn 5 khu vực thác Trịnh Nữ (huyện Cư Jut) có nhiều hiện vật phản ảnh nhiều giai đoạn tiền sử - sơ sử - lịch sử gồm mảnh gốm từ thô đến mịn, dày 5mm – 1mm, không còn men đến có men; rìu đá các loại, mảnh tước…; Thôn Đắk Sơn (huyện Đắk Mil); Thôn Đức Lộc (huyện Krông Nô) cũng tìm thấy nhiều hiện vật rìu đá…

Thông tin mà các nhà khảo cổ nhận định là “đặc biệt quan trọng” đó là lần đầu tiên, một di chỉ khảo cổ tiền sử đã được phát hiện trong các hang động núi lửa thuộc khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô). Tại các hang động núi lửa này, bắt gặp phổ biến các di vật là mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể, nước ngọt với số lượng và mật độ tăng dần.

Tại hang C6 – 1 tiếp tục phát hiện 3 hố đất đen là di tích của các bếp lửa và rác bếp; 1 cấu trúc đá; 3 di tích mộ táng. Các di vật tìm được là gồm các hiện vật đá như công cụ lao động (rìu ngắn, công cụ hình bầu dục, công cụ dùi, hòn kê…); nhóm phế liệu gồm mảnh tước, phiến tước, hạch đá và đá nguyên liệu; Đồ gốm xuất lộ do vỡ khá nhỏ nên chưa xác định định đầy đủ các loại hình, nhưng cơ bản về hoa văn và kỹ thuật chế tác ở các lớp là giống nhau và có một số điểm chung…Đồ xương đã phát hiện nhiều mũi nhọn xương rải rác cùng các mảnh xương động vật. Các mũi nhọn thường làm từ mảnh xương chi động vật loại nhỏ, hình trụ dài, đầu vuốt nhọn, mài phần đầu hoặc toàn thân. Đây là loại hình công cụ khá độc đáo, hiếm thấy trong các di tích tiền sử trên địa bàn Tây Nguyên. Thành phần xương động vật thu được gồm dơi, hươu, nai, lợn rừng, tê giác…

Vỏ nhuyễn thể tìm thấy cũng rất phong phú như vỏ ốc Tiền là loại hình di vật đầu tiền phát hiện ở Tây Nguyên, minh chứng cho quan hệ với cư dân biển. Với kết quả trên sơ bộ có thể chia tầng văn hóa hang C6 – 1 thành 4 giai đoạn gồm Gai đoạn 1 (sớm nhất) đặc trưng bởi các hiện vật đồ đá có kích thước lớn, ghè đẽo thô sơ … thường gặp trong cư dân Đá mới sớm, cách đây 7.000 đến 10.000 năm.

Giai đoạn 2, đặc trưng bởi các hiện vật đồ đá kích thước nhỏ hòn ghè, hòn kê và đặc biệt 3 mộ táng… phản ánh niên đại kỳ Đá mới cách đây khoảng 4.000 đến 7.000 năm.

Giai đoạn 3, với những phát hiện răng người, xương cốt động vật to hơn, công cũ đẽo thô, rìu mài toàn thân phản ánh giai đoạn hậu kỳ Đá mới.

 Giai đoạn 4 với những chiếu rìu tứ giác mài toàn thân, đặc biệt là đồ gốm đất nung… đây là những di vật thường gặp trong di tích sơ kỳ Kim khí ở Tây Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, di chỉ khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, kết quả đạt được cũng chỉ là bước đầu, trong thời gian tới cần mở rộng diện tích khai quật, phân tích AND, giám định thành phần chủng tộc người, làm rõ chủ nhân của nền văn hóa cổ nơi đây; đồng thời phân tích niên đại tuyệt đối, bảo tử phấn hoa… phác dựng quá khứ xa xưa của cư dân tiền sử đất Đắk Nông. Bên cạnh đó,  cần có những hành lang pháp lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản, trước mắt cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, tiến tới cấp quốc gia quốc gia đặc biệt.