Phát hiện dấu tích người nguyên thủy ở hang Xum Lốm

ANTĐ - Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức đợt khảo sát khảo cổ học tại hang Xum Lốm, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình). Đoàn đã phát hiện nhiều dấu tích người nguyên thủy có ý nghĩa lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Anh Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết, hang Xum Lốm, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, là hang nhỏ, có hai tầng, nằm trên sườn núi đá vôi lớn. Hang cao 10 m so với chân núi. Trước mặt hang là thung lũng rộng lớn có suối nhỏ chảy qua. Đường lên hang khá thuận tiện. Ở tầng hang trên, không tìm thấy dấu tích tầng văn hóa khảo cổ. 
Phát hiện dấu tích người nguyên thủy ở hang Xum Lốm ảnh 1
Các di vật khảo cổ thu được tại hang Xum Lốm, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can

Khu vực tầng hang dưới, bề mặt hang khá bằng phẳng rộng gần 20m2, trần hang thấp có nhiều nhũ. Phần lớn diện tích lòng hang nhận được ánh sáng tự nhiên, thuận lợi cho con người cư trú. Đoàn khảo sát đã tiến hành đào khảo sát một hố rộng 2m2. Thật bất ngờ, nhiều dấu tích của người nguyên thủy lần lượt được tìm thấy (chủ yếu ở giữa cửa hang dưới lớp trầm tích khoảng 40cm) là các công cụ rìu, cuốc tay, bàn nghiền, chày... của người nguyên thủy. Tất cả đều được chế tác từ những viên đá cuội bằng kỹ thuật chế tác ghè, đẽo thô sơ. Đây là những loại hình công cụ đặc trưng của cư dân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn muộn.
Theo PGS- TS Trình Năng Chung, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học - Đào tạo, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trưởng đoàn khảo sát, nhiều dấu tích lớp văn hóa trên mặt đã bị xâm hại. Tầng văn hóa có độ kết cấu khá cứng, được hình thành bởi đất sét trong hang đá có màu xám sẫm, xen lẫn vỏ nhuyễn thể sông, suối và di vật khảo cổ. Qua mặt cắt địa tầng cho thấy di tích có một lớp văn hóa duy nhất. Trong lớp văn hóa đã tìm thấy dấu vết của bếp lửa, xương răng động vật, vỏ ốc núi và ốc suối. Đó chính là những tàn tích thức ăn của người tiền sử bỏ lại.

Mảnh Tước

Việc tìm thấy nhiều chày nghiền và những dấu tích còn lại cho thấy công việc săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm thức ăn của người nguyên thủy nơi đây. Sự có mặt của nhiều đá cuội nguyên liệu, phác vật đá và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ. Qua đánh giá tổng thể và 61 di vật khảo cổ thu được (chủ yếu là đồ đá) bước đầu có thể khẳng định hang Xum Lốm là nơi cư trú người nguyên thủy thời đại đá mới, thuộc cư dân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn muộn, có niên đại cách ngày nay khoảng 6.000 năm.
Phát hiện di tích người tiền sử đầu tiên trên địa bàn huyện Lâm Bình có ý nghĩa rất lớn trong công tác nghiên cứu thời tiền sử ở tỉnh Tuyên Quang.