Phát hiện bệnh án tâm thần bị giả mạo có quyền đề nghị tái thẩm

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Năm 2014, người thân của tôi bị một đối tượng sát hại dã man nhưng tòa án sau đó chỉ xử mức án rất nhẹ với lý do đối tượng bị bệnh tâm thần. Trong khi ấy, thực tế đối tượng này hoàn toàn bình thường… Gần đây, qua báo chí tôi thấy có nghi vấn về một đường dây làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần. Xin hỏi luật sư, nếu nghi vấn đó là thật thì các đối tượng làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu gia đình tôi có “lật lại” được vụ án kia không? Nguyễn Phương Hoa (Hà Nội)

Phát hiện bệnh án tâm thần bị giả mạo có quyền đề nghị tái thẩm ảnh 1

Nếu chứng minh được bệnh án tâm thần là giả mạo, thì được quyền đề nghị tái thẩm (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời: 

Tại Điều 13 - Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là Điều 21 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” là: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. 

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bãi bỏ một số nội dung không cần thiết tại quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó, dựa theo bảng Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10), phiên bản 2015, để phân tích các bệnh tâm thần nêu trong Thông tư 34/2013/TT-BYT, ngày 28-10-2013 của Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thành các nhóm rối loạn, rối loạn (RL) và các thể rối loạn tâm thần và hành vi.

Tại thông tư này cũng quy định về một số thể tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và một số thể chỉ hạn chế hay không làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của một người. Trong trường hợp chỉ hạn chế hay không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì khi người đó phạm tội, các cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội để áp dụng hình phạt tương ứng, chứ không hẳn chỉ căn cứ vào việc người đó có bị bệnh tâm thần mà áp dụng hình phạt nhẹ.

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Còn việc báo chí có nêu nghi vấn về một đường dây làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần thì trên thực tế không phải chỉ là nghi vấn mà đã có thực và cơ quan chức năng đã xử lý một số trường hợp làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần. Tuy nhiên hiện nay, dư luận vẫn còn đặt nhiều nghi vấn và các cơ quan có chức năng cũng đã tăng cường điều tra, triệt phá nhiều đường dây về làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần…

Đối với trường hợp của gia đình bạn thì vụ án đã được xét xử. Nếu sau khi xét xử sơ thẩm mà bạn cho rằng người đó không phải bị tâm thần thì gia đình bạn cần kháng cáo để vụ án được xét xử phúc thẩm hoặc trong thời gian một năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, gia đình bạn có quyền đề nghị Chánh án TAND Cấp cao hoặc Viện trưởng VKSND Cấp cao đề nghị giám đốc thẩm vụ án.

Trường hợp nếu đến nay gia đình bạn không thực hiện các nội dung trên mà có căn cứ cụ thể, xác đáng là người đó không bị tâm thần do họ “chạy”, làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần thì gia đình bạn vẫn có quyền kiến nghị Chánh án TAND Cấp cao hoặc Viện trưởng VKSDN Cấp cao đề nghị tái thẩm vụ án theo quy định của pháp luật.