- Nếu không cải cách mạnh mẽ thị trường trái phiếu, sẽ khó vực dậy doanh nghiệp nội địa
- Quy mô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm khoảng 7,2% dư nợ tín dụng
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2024, đã có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023. Trong khi đó, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 nghìn tỷ đồng (giảm 24,7% so với năm 2023).
Trên thị trường đã có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành thực hiện đăng ký giao dịch trên Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tổng giá trị giao dịch đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang "ấm" dần lên |
Như vậy, có thể thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ấm lên rất nhiều trong năm qua, sau hàng loạt sóng gió trước đó. Đồng thời, với việc cho phép các doanh nghiệp đàm phán gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, áp lực đáo hạn về cuối năm 2024 đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Chứng khoán MBS, áp lực đáo hạn vẫn sẽ là mối quan tâm lớn trong năm sau.
Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 69% giá trị chậm trả.
MBS cho rằng với một lượng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn đã được mua lại, áp lực đáo hạn trong tháng 11 và 12 của năm nay khá nhẹ nhàng với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lần lượt ước khoảng 10,4 và 10 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, sẽ dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn kể từ quý II năm sau.
“Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý 3/2025 với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới khoảng 70 nghìn tỷ đồng gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ” – các nhà phân tích của MBS cho biết.
Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thời gian qua, việc chậm thanh toán gốc và lãi vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, hiện tượng này đang diễn ra với tốc độ chậm hơn.
VCBS cho rằng áp lực trái phiếu đáo hạn sẽ đáng kể trong giai đoạn 2025-2026. Quá trình tái cơ cấu tiếp diễn theo hướng kéo dài thời gian đáo hạn, điều chỉnh lãi suất hợp lý với diễn biến mặt bằng lãi suất cho vay.
“Quy mô thị trường dần bước vào giai đoạn ổn định. Quá trình tái cơ cấu tiếp diễn với Nghị định 08 trong bối cảnh thuận lợi hơn nhờ lãi suất vẫn đang ở mặt bằng thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp dần đi vào ổn định với lượng trái phiếu niêm yết và thanh khoản tăng” – VCBS nhận định khá tích cực về thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn tới.