Phát động tuần lễ đi xe đạp và ý thức giữ gìn thành phố đáng sống

ANTD.VN -Hưởng ứng Ngày Xe đạp Thế giới 3/6 của Liên Hợp quốc, một phong trào đi xe đạp vừa được phát động ở Hà Nội với mục đích duy trì chất lượng sạch của không khí và môi trường sống ở các thành phố.  

Tuần lễ Ta đi xe đạp - Wecyc (tuần đầu tiên của tháng 6) là sáng kiến của Ashui.com, Trung tâm Sáng kiến Đô thị, với sự bảo trợ của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam. Phong trào này được phát động với mục tiêu tổng thể hướng tới việc tạo thói quen đi lại bằng xe đạp, giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí carbon, góp phần đảm bảo duy trì chất lượng sạch của không khí và môi trường sống ở các thành phố.

Trong tầm nhìn dài hạn, Tuần lễ Ta đi xe đạp sẽ đóng góp vào quá trình thay đổi các suy nghĩ truyền thống về các phương tiện giao thông, nâng cao hiểu biết của người dân các thành phố về giao thông tự chủ và chuyển đổi từ sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân có mức độ gây ô nhiễm cao sang các phương tiện cộng cộng và phương tiện giảm gây ô nhiễm cho môi trường sống tại các đô thị lớn và đô thị đang phát triển.

Nằm trong khuôn khổ tuần lễ “Ta đi xe đạp”, chiều 1-6, CLB Điện ảnh Kiến trúc ( 12, Hòa Mã, Hà Nội sẽ trình chiếu bộ phim tài liệu “Bikes vs Cars” (Xe đạp vs Xe hơi) của đạo diễn Fredrick Gertten. Cuốn phim đưa đến cho người xem một cái nhìn tổng quan về những vấn đề cấp bách của giao thông hiện nay tại nhiều thành phố trên thế giới, khi xe hơi trở thành phương tiện cơ giới được sử dụng nhiều nhất.

Nhiều khách du lịch nước ngoài khi tới Hà Nội đã chọn xe đạp làm phương tiện để khám phá thành phố

Phim chỉ ra ảo giác "nhanh", "hiệu quả", "thuận tiện" mà con người nghĩ xe hơi đem lại cho cuộc sống hàng ngày, để rồi không để ý tới việc chúng là nguồn ô nhiễm lớn nhất cho môi trường hiện nay.  

Nhưng “Bikes vs Cars” cũng mang một tinh thần lạc quan, khi đạo diễn Fredrick Gertten gặp những phong trào đi xe đạp đang dấy lên tại nhiều thành phố trên thế giới. Nhiều người dân đã ý thức được những vấn đề mà xe hơi gây nên và tự thân vận động để cứu lấy chính mình. Tuy gặp nhiều trở ngại nhưng họ không lùi bước và muốn thay đổi hệ thống hiện nay. Sao Paulo (Brasil) là một ví dụ điển hình cho việc đấu tranh để có được sự an toàn cho người đi xe đạp.

Con đường vòng quanh hồ Tây từ lâu đã trở thành điểm hẹn cho những người đi xe đạp

Hơn 40.000 chỗ đậu xe hơi ở lòng đường đã bị xóa bỏ để dành cho làn xe đạp. Hay như Copenhagen (Đan Mạch), từ lâu đã được coi là thủ đô xe đạp thế giới có hơn 40% người đi làm bằng xe đạp. Những người đạp xe ở đây được hưởng nhiều ưu đãi của chính phủ.

“Bikes vs Cars” không phải là bộ phim mang tư tưởng “chiến tranh” giữa các phương tiện giao thông trong đô thị. Nó là thông điệp để con người ý thức cho một thành phố đáng sống. Nó cũng giúp chúng ta bớt mù quáng trong một xã hội tiêu thụ khi lấy ô tô làm tiêu chuẩn cho cuộc sống. Hãy tìm sự cân bằng giữa cái mà chúng ta “cần” với cái mà chúng ta “muốn”!