Phạt con cũng phải có nghệ thuật

ANTĐ - Việc cậu bé người Nhật Bản Yamato Tanooka, 7 tuổi, bị bố mẹ phạt bỏ lại trong rừng đã được tìm thấy vào sáng 2-6 vừa qua sau gần 1 tuần mất tích không chỉ khiến cha mẹ cậu vỡ òa hạnh phúc trong ân hận, không chỉ là tin vui với nhiều người dân Nhật Bản trong tuần qua mà còn khiến nhiều bậc cha mẹ trên thế giới khi theo dõi vụ việc này đã được thở phào sau nhiều ngày thót tim lo lắng.

Ảnh: Internet

Theo truyền thông địa phương, Yamato được tìm thấy tại một tòa nhà thuộc doanh trại quân đội ở thị trấn Shikabe, cách nơi bị bố mẹ bỏ lại khoảng 6,5km. Cậu bé đã sống sót sau gần 1 tuần lạc trong rừng rậm vốn là nơi sinh sống của loài gấu nâu tại đảo Hokkaido, với nhiệt độ ban đêm có khi xuống tới 7 độ C và có mưa to. Khi được tìm thấy, cậu bé đang trong tình trạng khá tốt và không bị thương.

Có lẽ, thật khó để diễn tả tâm trạng tột cùng lo lắng và ân hận của cặp vợ chồng người Nhật trong suốt tuần qua, họ đã coi đó là “việc làm không thể tha thứ”. Họ cũng đã phải hứng chịu luồng dư luận chỉ trích nặng nề. Tại Việt Nam, hàng loạt phụ huynh cũng thở phào khi biết được thông tin trên và cũng như các ông bố, bà mẹ Nhật Bản, họ coi đó là bài học cho mình trong việc phạt con cái.

Chắc chắn, không ít bậc phụ huynh đã có lần rơi vào tâm trạng lo lắng, ân hận sau khi phạt con, đơn giản nhất như một cú đánh quá tay, một câu chì chiết khiến những đứa trẻ chưa đủ suy nghĩ thấu đáo có những việc làm dại dột như bỏ nhà đi, tự tử… 

Đối với cặp vợ chồng người Nhật này, cách phạt con của họ có thể với mục đích tích cực, muốn con bị trừng phạt để có thời gian suy nghĩ lại hành vi của mình và nhận ra sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm của họ là đã phạt con ở nơi không an toàn, là một khu rừng quá rộng lớn và nhiều nguy hiểm. Có lẽ trong lúc quá nóng giận, họ đã không cân nhắc đến hậu quả có thể xảy ra với con, khả năng nguy hiểm đến tính mạng là rất cao.

Thật ra, phương pháp phạt con bằng cách cha mẹ sẽ tách con ra khỏi những hứng thú vui vẻ khi con có lỗi giống như cặp vợ chồng nêu trên khá phổ biến ở nhiều bậc cha mẹ Nhật Bản cũng như Việt Nam. Dễ gặp như yêu cầu con phải đứng úp mặt vào tường, không cho ra chơi cùng các bạn…

Tuy nhiên, nguyên tắc cần đảm bảo là bối cảnh của nơi diễn ra hình phạt phải đảm bảo sự an toàn cho trẻ không gây nguy hiểm, không khiến cho trẻ sợ hãi, cảm thấy bị tổn thương, lo lắng, bị làm nhục. Ở các ông bố, bà mẹ Việt, dễ gặp là việc phạt nhốt con một mình trong nhà vệ sinh, trong phòng tối…  Thậm chí, báo chí từng nêu nhiều hình phạt quá đà của các bậc phụ huynh như lột hết quần áo, xích con vào cột, đánh con giữa đường, bắt trẻ cầm bảng quỳ xin lỗi…

Có thể nói, trong những trường hợp trên, các ông bố, bà mẹ đã để cơn nóng giận kích động, lấn át những mục đích tích cực khi áp dụng hình phạt. Thay vì để con nhận ra sai lầm và sửa chữa một cách tích cực, họ lại phạt con nhằm giải tỏa sự tức giận của mình. Vì vậy, không ít hậu quả đau lòng đã xảy ra, chẳng hạn như vụ việc một bé trai bị bố dùng thang giường đánh đến tử vong ở Bắc Ninh xảy ra cách đây vài năm.

Đó là những hậu quả nhìn thấy được, nhưng có những hậu quả chúng ta không thể đong đếm khi nó ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm lý, trí tuệ, đạo đức của trẻ sau này. Nhiều đứa trẻ trở nên tự ti, chán nản, thậm chí nuôi lòng hận thù với cha mẹ vì cách phạt con sai lầm. Vì vậy mới nói, phạt con cũng phải có nghệ thuật, nếu không chính cha mẹ sẽ phải chịu hậu quả từ những hình phạt do mình tạo ra.