Phát bệnh nguy hiểm từ giun sán chó, mèo

ANTD.VN - Ngứa ngáy quanh năm, uống thuốc gì cũng không hết, có người bỗng dưng lên cơn động kinh, co giật. Tất cả các biểu hiện ấy có thể do giun sán của chó, mèo nuôi trong nhà gây nên.

Phát bệnh nguy hiểm từ giun sán chó, mèo ảnh 1Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ nhỏ tiếp xúc với chó mèo

Bệnh nguy hiểm và phổ biến

Năm 1950, một bệnh nhân đầu tiên được phát hiện bị nhiễm giun sán chó mèo với hình ảnh võng mạc có chứa ấu trùng của giun tròn. Năm 1952, ấu trùng này được phát hiện tại vị trí nguy hiểm hơn - trong nội tạng của một bệnh nhân khác. Kể từ thời điểm đó, giun sán chó mèo chính thức xuất hiện trong danh sách các bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất về ký sinh trùng.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 20% dân số có kháng thể đối với các loại giun sán chó mèo, tức là có hàng triệu người có thể đã tiếp xúc với mầm bệnh mà không biết.

Lý giải điều này, bác sĩ Phạm Thị Khương, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết: “Trong đường ruột của chó mèo thường có giun sán trú ngụ. Khi đó, phân của chúng thường có trứng giun tròn. Trứng này khi ra ngoài môi trường sẽ phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn rau sống nhiễm trứng giun, thịt tái sống…) hay khi chúng ta ôm ấp chó mèo.

Đặc biệt, với những trẻ nhỏ sống ở quê, thường có thói quen lê la mặt đất, ăn thức ăn kém vệ sinh thì tình trạng nhiễm giun sán này càng lớn”. Theo bác sĩ Phạm Thị Khương, sau khi xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng sẽ nhanh chóng di chuyển vào gan, phổi, tim, não… gây gan to, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm võng mạc, kết mạc… Nhiều trường hợp ấu trùng lên não còn gây động kinh và suy giảm trí nhớ. Ở trẻ em, nếu mắc bệnh, trí tuệ của trẻ sẽ chậm phát triển, cơ thể còi cọc.

Thực tế, năm 2015, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng khó thở, tím tái, trụy mạch, phù mặt, phù 2 chân, gan to. Khi xét nghiệm huyết thanh, bé được phát hiện là nhiễm giun sán do thói quen ôm ấp mèo.

Còn tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, năm 2015, bệnh viện ghi nhận trường hợp một bệnh nhân nam (59 tuổi, quê Thanh Hóa) bị phù nặng toàn thân, trí nhớ giảm sút, thường xuyên có cảm giác buồn nôn và nôn không rõ nguyên nhân. Kết quả kiểm tra cho thấy,  bệnh nhân này bị nhiễm 4/10 loại giun sán chó mèo.

Dễ chữa nhưng khó nhận biết 

Trên thực tế, giun sán chó mèo không phải là bệnh khó chữa cũng như hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm, thế nhưng, theo bác sĩ Phạm Thị Khương, nó nguy hiểm ở chỗ khó nhận biết vì không có một dấu hiệu đặc thù nào. Ngoài ra, khi “lưu hành” trong cơ thể người, loại ấu trùng này lại gây ra nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Chẳng hạn, mẩn ngứa hay bị nhầm với dị ứng, viêm phổi bị nhầm là do vấn đề về đường hô hấp…

Đó là lý do tại sao có những bệnh nhân sống chung với giun sán hàng chục năm mà không  hay biết. Thậm chí, nhiều trường hợp, bác sĩ cũng không phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh, do không thực hiện các xét nghiệm kiểm tra giun sán.

Cũng chính bởi lý do trên mà theo bác sĩ Phạm Thị Khương, vấn đề phòng bệnh là quan trọng nhất. Theo đó, chúng ta nên hạn chế tối đa việc ăn thực phẩm sống, tái vì rất có thể  thực phẩm đó đã bị nhiễm ký sinh trùng. Ngay cả với các loại rau sống nhà trồng, vốn được coi là an toàn nhưng vẫn có khả năng nhiễm ấu trùng giun sán.

Riêng với những gia đình nuôi chó mèo thì phải cho chúng uống thuốc diệt sán định kỳ 6 tháng/lần. Chó mèo mới sinh cũng cần tẩy giun ngay từ khi 3 tuần tuổi và 2 tuần sau đó lại nhắc lại (lặp lại 3 lần). Trong trường hợp phát hiện phân của chúng có giun sán, cần uống thuốc tẩy ngay và phải kiểm tra hàng tuần. Riêng việc uống thuốc cần được thực hiện hàng tháng cho đến khi hết giun thì thôi. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên hạn chế cho con tiếp xúc với chó mèo. Đặc biệt, phân của chúng thải ra cần phải được xử lý ngay, tránh tình trạng trẻ để tiếp xúc phải.