Pháp-Mỹ-NATO sẽ thua Nga trong thương vụ Mistral?

ANTĐ - Mỹ và NATO đã dùng mọi biện pháp ngăn cản Pháp bàn giao tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga nhưng rất có thể họ sẽ thua Moscow trong thương vụ này.

Pháp sẽ bị Nga phạt nặng nếu phá vỡ hợp đồng

Đầu tháng này, người chịu trách nhiệm chuyển giao tàu đổ bộ trực thăng "Mistral" cho Nga bị đuổi việc. Dòng thông báo ngắn ngủi trên tờ Echos cho biết, Công ty đóng tàu DCNS của Pháp đã sa thải ông Yves Destefani, người đứng đầu dự án xuất khẩu tàu sân bay "Mistral" cho Nga.

Tờ Echos tiết lộ, nguyên nhân sa thải vị giám đốc này có thể thông báo của ông vào cuối tháng 10 vừa qua cho biết sẽ bắt đầu giao hàng cho phía Nga vào ngày 14-11. Đây là điều mà giới chức chính trị Paris tuyên bố “không thể chấp nhận được trong tình hình chính trị hiện nay”.

Đến nay, việc bàn giao con tàu này không còn là việc riêng của Nga-Pháp mà nó còn chứa đựng những bất đồng sâu sắc trong quan hệ Nga-NATO và những mâu thuẫn không thể điều hòa của cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Tuy nhiên, dù đứng dưới góc độ nào, nó vẫn là một hợp đồng kinh tế, buộc các bên phải tuân thủ chặt chẽ.

Hợp đồng cung cấp hai tàu sân bay chở trực thăng lớp "Mistral" đã được ký kết giữa công ty đóng Pháp DCNS và "Rosoboronexport" của Nga vào năm 2011. Tổng chi phí của hợp đồng là 1,2 tỷ euro (khoảng 1,66 tỷ USD), đồng thời kèm theo điều khoản Nga có thể chọn mua thêm 2 chiếc nữa.

Việc hợp đồng "Mistral" không chắc chắn được thực hiện đã diễn ra trong nhiều tháng nay, trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa Nga và EU vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Washington và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) quyết định trừng phạt kinh tế và chấm dứt hợp tác quốc phòng với Moscow vì cuộc xung đột quân sự ở miền đông nước này.
Pháp-Mỹ-NATO sẽ thua Nga trong thương vụ Mistral? ảnh 1Hải quân Nga đang thiếu tàu sân bay trực thăng đóng theo công nghệ phương Tây

Trong một động thái có liên quan, Đài phát thanh quốc tế Pháp ngày 30-10 đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin đã khẳng định, chưa đủ “điều kiện chín muồi” để Pháp bàn giao tàu Mistral cho Nga. Trong điều kiện hiện nay, khi Donetsk và Lugansk chính thức tuyên bố độc lập, những “điều kiện” này sẽ ngày càng xa vời.

Ngược lại, các quan chức quốc phòng Nga tuyên bố cứng rắn là nếu không bàn giao tàu, Pháp sẽ phải trả giá rất đắt. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu Pháp không bàn giao tàu đúng thời hạn, sau 120 ngày cho phép trễ hẹn, cứ mỗi ngày chậm bàn giao thì điện Élysée sẽ phải nộp cho điện Kremlin 1 triệu USD - tiền bồi thường hủy hợp đồng.

Một điều khiến Pháp đau đầu là hợp đồng có trị giá 1,66 tỷ USD này đã tạo ra khoảng việc làm cho 1.000 nhân công, nếu bán thêm 2 chiếc nữa thì người lao động Pháp sẽ lợi lớn trong hàng chục năm trời. Hơn nữa, các doanh nghiệp đóng tàu Pháp đã “nhận phần lớn chi phí đóng tàu”, hoàn trả lại số tiền này cũng là một vấn đề không dễ giải quyết.

Các quan chức điện Kremlin cũng khẳng định là đã có phương án dự bị trong trường hợp thương vụ này bị hủy bỏ. Nếu Paris cương quyết không chịu giao tàu, Moscow sẽ rút tiền đặt cọc đã ứng trước cho doanh nghiệp Pháp và sử dụng tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng để tự đóng tàu đổ bộ có tính năng tương tự như Mistral.

Về phía Pháp, nếu không chuyển giao tàu và phá vỡ hợp đồng giao dịch 2 tàu đổ bộ có trị giá “kếch xù” là 1,66 tỷ USD, hải quân Pháp sẽ “buộc phải” sử dụng 2 chiếc tàu này (chiếc thứ 2 là “Sevastopol” đã được khởi đóng ngày 18-6-2013), hoặc sẽ phải tìm một khách hàng để bán tống chúng đi. 

Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại ngay khi hợp đồng mua sắm này được ký kết

Trong điều kiện các cường quốc đều cắt giảm ngân sách quốc phòng hoặc tự đóng được tàu sân bay trực thăng, các nước nhỏ thì không đủ khả năng mua và nuôi các chiến hạm khổng lồ này thì Pháp sẽ khó “đẩy đi” được 2 “cục nợ”. Hơn nữa, họ muốn để lại sử dụng hoặc bán đi cũng không được do những điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng.

Trong bối cảnh ngành xuất khẩu quốc phòng Pháp đang không cạnh tranh nổi với các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc…, Tổng thống Hollande hiểu rằng, phá vỡ hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến hình tượng một quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, khiến các nước nhập khẩu vũ khí cảm thấy lo lắng về “chữ tín” của Pháp.

Cuối cùng, Pháp sẽ phải bàn giao tàu sân bay trực thăng cho Nga

Trước khó khăn của đồng minh, Mỹ cũng đã đề xuất 1 số phương án nhằm gỡ rối cho Pháp, nhưng đều không đạt kết quả.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, một nhóm các Nghị sĩ Mỹ đã đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen kêu gọi NATO mua hoặc thuê lại tàu hỗ trợ đổ bộ mang trực thăng Mistral được Pháp xây dựng theo đơn đặt hàng của Nga.

Trong số các Nghị sĩ Mỹ cũng có những nhân vật có chức vụ quan trọng như ông Eliot Engel, thành viên của Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, người đứng đầu phái đoàn Mỹ tại NATO; Nghị sĩ Michael Turner, thành viên của Tiểu ban về các vấn đề châu Âu của Quốc hội…Tuy nhiên, đề nghị này đã rơi tõm vào trong im lặng.

Ngay sau đó, các phương tiện truyền thông Mỹ lại đưa ra một phương án nhưng cũng không đạt kết quả. Đó là “khuyên” Nhật mua lại 2 tàu sân bay trực thăng này để đạt được 2 mục đích, vừa tham gia tích cực vào lệnh trừng phạt Moscow, vừa nâng cao sức mạnh quân sự của Nhật để chống lại Trung Quốc - một “đồng minh hờ” của Nga. 

Nhật Bản có khả năng đóng được những tàu sân bay trực thăng hàng đầu thế giới (Ảnh: Đồ họa tàu sân bay trực thăng lớp Izzumo và Hyuga của Nhật)

Ngày 29-7 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Paris, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã đưa ra tuyên bố rằng Tokyo “lo ngại” trước việc Pháp khăng khăng việc sẽ giao tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral cho Nga. Tờ “Wall Street Journal” của Mỹ đã “chớp lấy cơ hội”, khuyên Tokyo nên mua lại hai tàu này, vừa gỡ rối cho Pháp vừa nâng cao sức mạnh cho Nhật.

“Wall Street Journal” phân tích rằng Nga mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng là nhằm bố trí ở Viễn Đông, bảo vệ quần đảo Kuril khỏi sự đe doạ từ Nhật Bản và đối phó sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Tokyo mua được 2 tàu sân bay này sẽ làm suy yếu sức mạnh của Moscow và tăng khả năng đối phó với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Tokyo, đơn giản vì Nhật thừa sức tự đóng những tàu sân bay trực thăng theo tiêu chuẩn chẳng kém gì của Pháp. Hiện Nhật đã sở hữu các tàu đổ bộ tấn công lớp Izumo (hay còn gọi là lớp 22DDH) và tàu đổ bộ trực thăng lớp Hyuga. cả 2 lớp tàu này đều đạt trình độ hàng đầu trên thế giới.

Sau đó vào đầu tháng này, Canada cũng có ý định mua lại 2 tàu sân bay đóng cho Nga nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình, nằm trong một chương trình được đầu tư ngân sách lên tới 28 triệu euro. Tuy nhiên, chắc chắn là điều này không thể xảy ra do những ràng buộc trong điều khoản hợp đồng giữa Nga và Pháp. 

Cuối cùng Pháp sẽ phải bàn giao tàu sân bay trực thăng này cho Nga?

Các quan chức quốc phòng Nga tuyên bố, không cho phép Pháp bán chiếc tàu đổ bộ lớp Mistral này cho nước thứ ba, bởi vì 1 phần con tàu thuộc quyền sở hữu của nước này, nếu như không có sự đồng ý của Moscow, cũng không ai có quyền được sử dụng. Lí do được Moscow đưa ra là hệ thống thông tin và phần đuôi của Mistral là do Nga sản xuất.

Hồi tháng 9 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng từng cảnh báo, nếu Pháp hủy hợp đồng không giao tàu cho Nga thì họ cũng không được bán cho ai hay đem vào sử dụng mà chắc chắn sẽ phải phá hủy chúng đi. Nguyên nhân là do một phần ba linh kiện lắp ráp trên tàu là do Nga chế tạo.

Tuyến cáp quang dùng trong hệ thống thông tin liên lạc trên tàu Mistral là của Nga sản xuất, chỉ khi nào Pháp tháo trả lại hệ thống này cho Nga thì họ mới có toàn quyền sử dụng. Tuy nhiên, nếu muốn tháo bỏ hệ thống cáp được triển khai trên toàn bộ con tàu, đồng nghĩa với việc phải dỡ bỏ toàn bộ khung thân của nó.

Hơn nữa, nguyên cả phần đuôi của Mistral được đóng tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg. Nếu Pháp không giao tàu, Nga sẽ phá dỡ phần đuôi của nó mang về sử dụng cho các tàu khác. Pháp muốn sử dụng hoặc bán cho nước khác thì họ cũng không thể chịu được “nhiệt” khi chi phí sửa chữa con tàu nát bét này sẽ đội giá bán lên gấp đôi.

Với quá nhiều khó khăn không thể giải quyết, có thể khẳng định là cùng lắm là Paris cũng chỉ dám giữ lại chiếc tàu đổ bộ trực thăng này đến hết thời gian trễ của hợp đồng để tìm ra một giải pháp thỏa hiệp, làm đẹp lòng cả Nga lẫn Mỹ và NATO. Nếu không đạt được thỏa thuận mang tính đột phá nào, chắc chắn Pháp sẽ phải bàn giao tàu cho Nga.