Pháp: Mỹ không được lôi kéo NATO vào hoạt động quân sự ở vùng Vịnh

ANTD.VN - Các quan chức Mỹ và Iran đã tăng cường các cuộc đối thoại  với nhau sau một loạt  sự cố quân sự và chính trị như: máy bay do thám không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ, Tổng thống Trump phán xét các nhà lãnh đạo Iran là "không thông minh" và Tổng thống Iran gọi các dấu hiệu hành vi 'thù địch' của Nhà Trắng là hành vi 'thiểu năng trí tuệ”.

Trong cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper không lôi kéo liên minh NATO vào bất kỳ hoạt động quân sự nào có thể xảy ra ở vùng Vịnh.

Bà Florence Parly - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp

Dẫn nguồn tin của hãng thông tấn Sputnik, bà Parly đã đưa ra yêu cầu này trong một cuộc họp kín có sự tham dự của đại diện của năm thành viên NATO khác. Đại diện của Đức cũng nhất trí quan điểm với Pháp trong việc kêu gọi không phá vỡ thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, theo nguồn tin cho biết, đã tuyên bố với các đồng minh NATO rằng Mỹ đã không tìm kiếm một cuộc xung đột với Tehran, nhưng sẽ 'không tha thứ' cho bất kỳ sự cố nào nữa sau vụ bắn hạ một máy bay không người lái trị giá 130 triệu USD vào tuần trước.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận rằng nước Mỹ đã “truyền đạt rõ ràng” cho các đồng minh rằng họ không muốn thấy chiến tranh nổ ra với Iran.

Các bộ trưởng quốc phòng của NATO đang tổ chức cuộc họp tại trụ sở của liên minh tại Brussels, với nội dung chính của các cuộc thảo luận là về một loạt các vấn đề bao gồm Iran, việc hủy bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF, Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, và các vấn đề khác.

Căng thẳng kéo dài giữa Tehran và Washington đã leo thang mạnh mẽ vào ngày 20 tháng 6 sau khi lực lượng phòng không Iran bắn hạ một máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ mà Iran cho biết là đang hoạt động trên không phận nước này.

Mỹ duy trì quan điểm rằng máy bay không người lái đang bay trên vùng biển quốc tế ở eo biển Hormuz và gọi hành động phía Iran là một sự khiêu khích. Sau khi máy bay không người lái bị bắn hạ, Tổng thống Trump nói rằng ông đã quyết định thực hiện cuộc không kích chống lại nhiều mục tiêu của Iran, nhưng rút lệnh khai hỏa vào phút cuối sau khi được thông báo rằng cuộc không kích sẽ làm thiệt mạng 150 người Iran, và  rằng “phản ứng” như vậy là không "tương xứng. "

Quan hệ giữa Iran và Mỹ bắt đầu suy giảm mạnh từ tháng 5 năm 2018, khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân Iran và áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt về kinh tế và năng lượng cứng rắn. Động thái này đã gây ra một loạt các cáo buộc và quyết định trả đũa lẫn nhau, bao gồm việc cáo buộc lực lượng vũ trang của nhau là 'khủng bố', việc Mỹ triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay ở Trung Đông, các cuộc tấn công bí ẩn vào các tàu chở dầu vào tháng Năm và tháng Sáu mà Washington đổ lỗi cho Tehran, còn Iran mạnh mẽ phủ nhận mọi liên quan...

Tháng trước, nhân kỷ niệm một năm Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân, Iran tuyên bố sẽ rút khỏi một số cam kết tự nguyện theo thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh cam kết không theo đuổi công nghệ vũ khí hạt nhân.