Xét xử vụ VN Pharma: Nguyễn Minh Hùng bị đề nghị mức án đến 19 năm tù

ANTD.VN - Hơn 15h ngày 26-9, phiên xử Nguyễn Minh Hùng – cựu Chủ tịch Công ty cổ phần VN Pharma (viết tắt là VN Pharma) cùng 11 bị cáo liên quan mới làm việc trở lại sau giờ nghỉ trưa. Ở ngày thứ ba xét xử vụ án, đại diện VKSND TP. HCM đã đề nghị các mức án.

Theo đó, xác định các bị cáo đã phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Minh Hùng (SN 1978) – cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VN Pharma từ 18 năm tù đến 19 năm tù. Cùng tội danh, Võ Mạnh Cường (SN 1978) – cựu Giám đốc Công ty TNHH TM hàng hải Quốc tế H&C bị đề nghị xử phạt 20 năm tù.

Giữ vai trò kế tiếp, Nguyễn Trí Nhật (1975), Ngô Anh Quốc (SN 1984), cùng là cựu Phó tổng giám đốc VN Pharma cùng bị đề nghị mức án từ 12 năm tù đến 13 năm tù; Phan Xuân Thiện (SN 1977) – cựu Phó Tổng giám đốc VN Pharma, Phạm Văn Thông (SN 1954) - Dược sỹ; Phan Cẩm Loan (SN 1973) – cựu Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma, Lê Thị Vũ Phương (SN 1982) – cựu Kế toán Trưởng VN Pharma; Bùi Ngọc Duy (SN 1986) – cựu Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển VN Pharma cùng bị đề nghị mức án từ 6 năm tù đến 7 năm tù.

Cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng (ngoài cùng, bên trái) trong ngày thứ xét xử thứ ba.

Các bị cáo còn lại là Phạm Anh Kiệt (SN 1963) – cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn; Hoàng Trúc Vy (SN 1988) – cựu nhân viên Phòng Nghiên cứu và phát triển VN Pharma và Phạm Quỳnh Trang (1980) – cựu nhân viên Công ty H&C cùng bị đề nghị mức án từ 3 năm tù đến 4 năm.

Đánh giá về vụ án, đại diện Viện kiểm sát (VKS) nêu vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, xảy tại VN Pharma là vấn đề được dư luận quan tâm, vì không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Các bị cáo đã sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả để làm giấy chứng nhận, hóa đơn giả.

Đây là tổ chức làm giả rất tinh vi, có nhiều đơn vị, cá nhân tham gia. Ý thức của các bị cáo từ tất cả các khâu chỉ nhằm mục đích thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả xảy ra. Hành vi phạm của bị cáo Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng. Bởi nếu lô thuốc không bị phát hiện sẽ gây ra hậu quả về sức khỏe, tinh thần của người bệnh.

Bên cạnh đó, các bị cáo còn nâng khống giá thuốc, bị dư luận lên án, ảnh hưởng đến sự quản lý của Nhà nước. VKS khẳng định 9.300 hộp thuốc H-Capita là thuốc chữa bệnh giả. Hành vi của các bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng, gây mất niềm tin của người dân, gây mất trật tự xã hội. Vì vậy cần phải có mức án nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Trước đó, sáng cùng ngày, theo yêu cầu của HĐXX, ông Nguyễn Thành Lâm (Phó Cục trưởng Cục quản lý dược) đã cung cấp 3 văn bản giải mật để sử dụng cho quá trình xét xử. Các văn bản này là công văn về cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra và công văn về giám định lô thuốc H-Capita (kèm theo lết luận hội đồng chuyên môn), đều của Bộ Y tế.

Theo HĐXX, đây là các tài liệu đã được giải mật nên luật sư được sử dụng công khai tại tòa. Vị chủ tọa cũng thông báo, bị cáo Phạm Văn Thông đã có đơn xin xét xử vắng mặt do đang cấp cứu tại bệnh viện 115 vì bị nhồi máu cơ tim.

Có mặt tại tòa, doanh nhân Ngô Nhật Phương, khẳng định lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ, chỉ giả về nhãn mác chứ không giả về chất lượng.

Giải thích về lý do không phải là 1 trong gần 200 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến tòa, ông Phương cho hay, có mặt ở tòa là do quen với những người làm trong Hiệp hội Dược Ấn Độ. Khi nghe thông tin ở Việt Nam đang lên án thuốc H-Capita là thuốc giả, họ nhờ ông Phương tìm giúp người biết tiếng Việt và tiếng Anh để dịch hồ sơ, giúp họ nộp lên cơ quan chức năng của Việt Nam.

Theo ông Phương, Ấn Độ khẳng định thuốc H-Capita được sản xuất tại nhà máy của nước này, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng. Khi công ty dược ở Ấn Độ bán thuốc cho phía Việt Nam, họ được đề nghị ghi xuất xứ ở Canada nhưng công ty này không đồng ý, nói bên mua có thể thực hiện việc dán nhãn xuất xứ khi ra khỏi Ấn Độ.

Ấn Độ lo ngại thông tin thuốc giả sẽ ảnh hướng đến thị trường của họ nên cử người nộp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra. Cũng theo ông Phương, sau khi cho người phiên dịch hồ sơ và đem nộp thì CQĐT cho hay, hồ sơ vụ án kết thúc, sắp xét xử nên hướng dẫn sang tòa nộp.

Trả lời trước tòa về những tài liệu cung cấp, ông Phương cho biết: “Tôi khẳng định thông tin cung cấp là chính xác, sẵn sàng phản biện, thuốc là thuốc thật, hồ sơ chất lượng theo quy định của Tổ chức y tế Thế Giới”.