Xét xử vụ án VN Pharma: Các luật sư tranh tụng

ANTD.VN - Sáng nay 27-9, phiên tòa xét xử Nguyễn Minh Hùng (SN 1978) - cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma (viết tắt là VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (SN 1978) - cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C cùng 10 đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.

"Kém chất lượng" và "giả" là những khái niệm khác nhau

Bảo vệ cho bị cáo Võ Mạnh Cường, luật sư Phạm Quốc Hưng cho rằng, thuốc giả và thuốc kém chất lượng là hai khái niệm khác nhau, và các chuyên gia tại phiên tòa cũng kết luận như vậy. Kết quả kiểm định là thuốc kém chất lượng nhưng cáo trạng và luận tội của VKS đều cho rằng đó là thuốc giả. Các tài liệu cho thấy thuốc đảm bảo chất lượng khi xuất xưởng.

Bị cáo  Võ Mạnh Cường - cựu Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C

Luật sư bào chữa cho bị cáo Cường cho rằng, để đảm bảo tính khách quan, chính xác, cần phải kết luận vào thời điểm nhập hàng chứ không phải chờ hơn một năm sau. Đó là chưa nói kết luận ảnh hưởng đến uy tín của nhà máy sản xuất thuốc. Cũng theo luật sư Phạm Quốc Hưng, VKS nói không có tiêu chuẩn để so sánh nên kết luận là thuốc giả. "Không có tiêu chuẩn so sánh thì làm sao biết là thật hay giả? Lý luận như vậy mâu thuẫn. Thuốc giả thì nguy hại cho xã hội. Còn xuất xứ giả thì chỉ có hậu quả là giúp bị cáo thu lợi bất chính, làm xáo trộn quản lý nhà nước", luật sư Hưng bày tỏ, và cho rằng rõ ràng có một nhân vật tên là Raymundo đã cung cấp thuốc thật, nhưng giấy tờ thì làm giả, tinh vi đến mức giả hợp pháp hóa lãnh sự, các cơ quan chức năng Việt Nam đều không phát hiện được.

“Trong vụ việc này, người có tội thực sự là Raymundo. Còn các bị cáo chỉ là đồng phạm. Thuốc kém chất lượng do từ lúc nhập về đến lúc giám định cả năm trời, chứ không phải là thuốc giả. Đề nghị HĐXX xem xét điều chỉnh những sai sót trong phần luận tội” – luật sư Phạm Quốc Hưng nói.

Cần cụ thể hóa tính “đặc biệt nghiêm trọng”

Trước đó, chiều 26-9, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng – cựu Chủ tịch VN Pharma, luật sư Nguyễn Đình Hưng (Trưởng VPLS Hưng Giang – Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, bản cáo trạng của VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên giá trị kết luận giám định số 31 ngày 22/4/2015 (một bản giám định sau thời điểm sản xuất thuốc đã 12 tháng 17 ngày) để nhận định tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do các bị cáo đã gây ra, là khiên cưỡng.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VN Pharma.

Bởi thời gian càng dài (hạn sử dụng thuốc còn lại càng ngắn) thì hàm lượng hoạt chất Capitabine càng giảm đi, đồng thời chỉ tiêu tạp chất sẽ thay đổi. Tạp chất có thể sinh ra bởi nhiều nguyên nhân (có thể là do từ nguyên liệu sinh ra, hoặc quá trình vận chuyển, bảo quản trong môi trường không đảm bảo...). Theo luật sư Hưng, điều này Bộ Y tế đã có giải thích rõ ràng.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng khẳng định, do không sử dụng, đánh giá đầy đủ chứng cứ có trong hồ sơ dẫn đến bản cáo trạng kết luận các bị cáo là phạm tội “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Từ đó VKS truy tố các bị cáo theo khoản 4, Điều 157 - BLHS 1999. Điều này là rất không thuyết phục, không phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ.

Luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch VN Pharma nhìn nhận, bản cáo trạng đã không chỉ rõ định lượng nào để xác định là “đặc biệt nghiêm trọng”; từ đó đề nghị HĐXX xem xét, lô thuốc 9.300 hộp thuốc Hcapital 500mg có nguồn gốc sản xuất rõ ràng; chất lượng đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới và việc ngừng tiêu thụ lô thuốc ra thị trường là chủ trương của các bị cáo, không phải do cơ quan chức năng phát hiện.

Phân tích về tính chất, mức độ “đặc biệt nghiêm trọng” mà VKS truy tố các bị cáo, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng cần phải cụ thể hóa.

Theo đó, người phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” gây ra hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng” gồm 4 trường hợp là thu lời bất chính từ 2.000.000.000 đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích,hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ thương tích của những người này là 122% trở lên và gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

“Đối chiếu với kết quả điều tra vụ án có thể thấy, việc các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhập 9.300 hộp thuốc Capitae không có bất cứ tình tiết nào nằm trong qui định tại khoản 4, Điều 194 – BLHS mới tương ứng với khoản 4, Điều 157 - BLHS cũ. Trong khi ấy, cáo trạng đánh giá hậu quả gây thiệt hại thực tế cho VN Pharma hơn 6 tỷ đồng là “đặc biệt nghiệm trọng” là không chính xác” – luật sư Nguyễn Đình Hưng nhìn nhận.

Bởi theo vị luật sư này, số tiền VN Pharma chi thực tế để nhập lô thuốc Hapcaptal về bán không phải là thiệt hại. Các bị cáo (chiếm đại đa số cổ phần của VN Pharma) và đại diện công ty này có mặt tại phiên tòa đều khẳng định “số tiền sử dụng mua lô thuốc không sử dụng bán để thu hồi vốn, công ty không coi đó là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”.

Vì đó là một hoạt động kinh doanh mắc lỗi, là sự rủi ro trong kinh doanh, trong một hoạt động bình thường của bất cứ một doanh nghiệp nào. Mặt khác VNPharma là công ty cổ phần nhưng hoàn toàn vốn góp là của các bị cáo trong vụ án này, trong đó phần lớn là vốn góp của bị cáo Nguyễn Minh Hùng.

Theo quy định, ý kiến tranh tụng của các luật sư sẽ được đại diện VKS tổng hợp và đối đáp trong giai đoạn tiếp theo của các phiên xét xử.