Xét xử phúc thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm

ANTD.VN - Ngày 30-10, Tòa án Quân sự Trung ương mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm về các tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo đó, tại bản án sơ thẩm hồi tháng 7-2018, TAND Quân sự Quân khu 7 đã xử phạt Đinh Ngọc Hệ (SN 1971, ở Yên Khánh, Ninh Bình, tên khác là Út "trọc”) - nguyên Thượng tá, Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 12 năm tù.

Giữ vai trò đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với “Út trọc”, bị cáo Trần Văn Lâm (SN 1977, ở Hải Dương) - nguyên TGĐ điều hành Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng (Công ty Thái Sơn BQP) bị áp dụng 5 năm tù.

Tiếp đến, Bùi Văn Tiệp (SN 1957, ở Hải Dương) - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 (Quân chủng Phòng không, không quân) bị xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Xuân Sơn (SN 1986, ở Nghệ An) - nguyên GĐ Chi nhánh Bình Dương Công ty Thái Sơn BQP bị áp dụng 18 tháng tù, hưởng án treo và được trả tự do ngay tại tòa.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") tại phiên tòa  phúc thẩm.

Liên quan, bị cáo Phùng Danh Thắm (SN 1965) - nguyên Đại tá, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tổng công ty Thái Sơn bị xử phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và được miễn nộp một khoản thu nhập hàng tháng trong thời gian chấp hành hình phạt.

Sau khi phải nhận các mức án nêu trên, bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm và Phùng Danh Thắm lần lượt có đơn kháng cáo cho rằng không không phạm tội như cấp tòa sơ thẩm quy kết và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên khi phiên tòa phúc thẩm mở ra, bị cáo Thắm bất ngờ thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bản án sơ thẩm và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy, lợi dụng là người góp vốn và chức vụ TGĐ, Chủ tịch Công ty Thái Sơn BQP, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua, đăng ký xe biển quân sự, biển xanh.

Bị cáo Hệ không chấp hành quy định của Nhà nước về xe công và đưa xe thế chấp tại nhiều ngân hàng… Bị cáo Hệ cũng chỉ đạo mang xe biển quân sự, biển xanh cho thuê sai quy định hoặc cho các đối tượng ngoài xã hội mượn để thu lời bất chính.

Cấp xét xử sơ thẩm xác định, hành vi của bị cáo Hệ đã vi phạm quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về sử dụng xe trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Việc này dẫn tới nhiều đơn thư tố cáo ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của quân đội và Nhà nước.

Ngoài ra, năm 2014, cửa hàng xăng dầu của Công ty Thái Sơn BQP bị lập biên bản vì có xăng kém chất lượng. Để không bị phạt tiền, Hệ liên lạc với ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xin không bị xử phạt và nhờ bị cáo Bùi Văn Tiệp lập khống hợp đồng thể hiện xăng kém chất lượng thuộc sở hữu của sư đoàn 367.

Hành vi đó của các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn làm thất thu cho ngân sách nhà nước gần 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Hành vi của các bị cáo này đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Về việc sử dụng giấy tờ giả, Tòa án Quân sự Quân khu 7 nhận định, căn cứ vào các bản sao chứng thực của UBND phường Bến Nghé (TP HCM), lý lịch Đảng viên của Đinh Ngọc Hệ đủ cơ sở xác định bị cáo này đã mua 1 bảng điểm, 1 bằng đại học giả. Và nhờ bằng giả đó, Hệ được bổ nhiệm sĩ quan quân đội, nâng lương, kết nạp Đảng…

Với Phùng Danh Thắm, căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo và hành vi phạm tội của bị cáo Đinh Ngọc Hệ, tòa cấp sơ thẩm khẳng định đủ căn cứ xác định bị cáo đã buông lỏng quản lý, không kiểm soát hoạt động của công ty con và quân nhân Đinh Ngọc Hệ. Bị cáo Thắm cũng không quản lý sử dụng xe biển quân sự, biển xanh để bị cáo Hệ thế chấp, cho thuê, mượn.

Hành vi phạm tội của bị cáo Hệ một phần là do hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo Thắm gây ra. Do đó, việc xác định bị cáo Phùng Danh Thắm đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng pháp luật.

Khai báo tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hệ cho rằng bị oan do cấp dưới vu khống. Út “trọc” khai việc mua, sử dụng xe biển đỏ, xanh đã được xin phép cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh, đi lại và đối ngoại. Việc cho thuê xe được Luật doanh nghiệp cho phép và các xe đều do các cổ đông bỏ tiền ra mua, không làm ảnh hưởng tới tài sản Nhà nước.

Về vấn đề làm giả hợp đồng gửi xăng, bị cáo này cho rằng trách nhiệm thất thoát gần 1,5 tỷ đồng tiền phạt thuộc Quản lý thị trường, bị cáo Hệ khai bản thân không được hưởng lợi hoặc mất mát gì trong việc cây xăng bị xử phạt hay không. Út “trọc” dẫn các lời khai của bị cáo Tiệp, Lâm với nhiều mâu thuẫn và cho rằng họ muốn đổ tội để rũ bỏ trách nhiệm.

Ngày mai (31-10) phiên tòa xét xử Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm tiếp diễn.