Xét xử phúc thẩm "siêu lừa" Huyền Như lừa đảo 5 doanh nghiệp hơn 1.085 tỉ đồng

ANTD.VN - Hôm nay (28-5), TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vậy nhưng theo thông báo đưa vụ án ra xét xử, với vai trò phạm tội chính nhưng Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978) – cựu Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ (Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương TP HCM - Vietinbank) không kháng cáo.

Trong khi đó, với vai trò giúp sức cho “siêu lừa”, Võ Anh Tuấn (SN 1972) – cựu Phó giám đốc Chi nhánh Nhà Bè (Vietinbank TP HCM) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng vai trò phạm tội của bản thân rất mờ nhạt.

Ngoài ra, 4/5 nguyên đơn dân sự trong vụ án là Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc cũng có kháng cáo cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt.

"Siêu lừa" huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm

Trước đó, hồi tháng 2-2018, đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân và Võ Anh Tuấn 7 năm tù đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về dân sự, cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc 2 bị cáo này phải bồi thường hơn 1.085 tỉ đồng đã chiếm đoạt cho 5 nguyên đơn dân sự.

Theo bản án sơ thẩm, do vay nợ hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản nhưng không có khả năng thanh toán nên với chức trách lúc đó là Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank, Huyền Như ngay từ đầu đã thực hiện hàng loạt hành vi gian dối thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng để chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Hành vi của Huyền Như được xác định, lấy tên là “Quyên” – cán bộ tín dụng của ngân hàng Vietinbank để huy động tiền gửi với lãi suất cao vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Móc nối với một số nhân viên của các đơn vị để trả tiền phí giới thiệu và phí cho người giao dịch.

Cụ thể số tiền môi giới Huyền Như đã trả cho Vũ Minh Hải – nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông số tiền 16,9  tỉ đồng, trả cho Vũ Thị Thùy Linh – Kế toán trưởng Công ty SBBS số tiền 9,9 tỉ đồng, chi trả cho người thân trong gia đình bà Lê Thị Thanh Phương – nguyên Giám đốc khối nguồn vốn Ngân hàng Tiên phong Bank số tiền hơn 6,7 tỉ đồng….

Theo cấp tòa sơ thẩm, Huyền Như đã tự thỏa thuận ngầm với các đơn vị về việc trả lãi suất cao trái quy định của ngân hàng Nhà nước làm cho các đơn vị hám lợi, dễ dàng thỏa thuận tự nguyện ký kết các hợp đồng tiền gửi để hưởng lãi ngoài.

Để thực hiện việc ký kết các hợp đồng “siêu lừa” Huyền Như đã thực hiện các hành vi trái pháp luật như: Làm giả con dấu tài liệu của ngành ngân hàng, lập phiếu chi và ký giả các chữ ký của chủ tài khoản, lập các hợp đồng tiền gửi hoặc ủy thác đầu tư các đơn vị gửi tiền, rồi thay đổi, chỉnh sửa nội dung để các đơn vị tin tưởng.

Để tạo lòng tin cho các đơn vị gửi tiền, bị cáo Như đã yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản gửi thanh toán tại Vietinbank Chi nhánh TP HCM. Khi các đơn vị gửi tiền vào thì “siêu lừa” nhanh chóng rút ra chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đối với 5 nguyên đơn dân sự, tòa sơ thẩm nhận định, các đơn vị này đã thực hiện thỏa thuận ngầm với Huyền Như về việc hưởng lãi suất cao trái quy định. Bởi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước khi đó quy định lãi suất không vượt quá 14%/năm và Vietinbank cũng có quy định không được huy động vốn vượt trần lãi suất.

TAND TP HCM xác định, các thỏa thuận của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như với đại diện các bị hại trong vụ án là trái pháp luật và nó xảy ra trước khi mở tài khoản chuyển tiền vào Vietinbank. Đây là lỗi của 5 công ty khi phó thác tiền gửi của mình để Huyền Như thao túng và chiếm đoạt.