Xét xử Hà Văn Thắm: Luật sư tiếp tục cho rằng Oceanbank không mất số tiền "khủng"

ANTD.VN - Trong ngày xét xử thứ mười bốn vụ án Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cùng đồng phạm, các luật sư bào chữa tiếp tục cho rằng Oceanbank không bị mất số tiền hơn 1.576 tỷ đồng. 

Theo đó, chiếm gần chọn thời gian làm việc vào buổi sáng ngày 16-9, luật sư Hoàng Huy Được cùng cộng sự đã thay nhau trình bày các quan điểm để bào chữa cho 10 bị cáo từng là cán bộ ở Hội sở cũng như giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank.

Trước đó, cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm cùng đồng phạm xác định, từ cuối năm 2010 đến 2014, 45 bị cáo trong vụ án đã chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi và lãi suất vượt trần với tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng. Trong đó, 10 bị cáo được luật sư Hoàng Huy Được cùng cộng sự bảo vệ đã góp phần rất lớn trong số tiền “khủng” mà Oceanbank bị thiệt hại.

Dưới góc độ luật sư bào chữa, luật sư Hoàng Huy Được đặt vấn đề các thân chủ của ông đều bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 165-BLHS. Vì thế để xác định các bị cáo có phạm vào tội danh này hay không thì các cơ quan tố tụng cần phải chứng minh được hai vấn đề.

Luật sư Hoàng Huy Được cùng nữ luật sư cộng sự tham gia bào chữa cho 10 bị cáo trong vụ án

Thứ nhất là các bị cáo có cố ý làm trái quy định của Nhà nước hay không và thứ hai là việc cố ý làm trái đó có gây ra hậu quả nghiêm trọng không. Về hậu quả có tính nhân quả của hành vi cố ý làm trái, luật sư Được tiếp tục đặt ra số tiền hơn 1.500 tỷ đồng  có phải là thiệt hại không? Và số tiền Oceanbank chi trả lãi huy động vốn có phải là lãi ngoài không?

Từ những lập luận trên, vị luật sư bào chữa cho 10 bị cáo cho rằng kết luận giám định thiệt hại trong vụ án đã có những vi phạm nhất định theo Luật Giám định tư pháp. Đó là giám định viên phải từ chối việc giám định vượt quá khả năng giám định của mình. Ngoài ra, nội dung giám định thiếu sự vô tư, khách quan.

Chứng minh quan điểm của mình, vị luật sư viện dẫn nội dung kết luận giám định không chỉ đích danh số tiền mà Oceanbank “chăm sóc khách hàng” là thiệt hại. Tương tự, tại phiên tòa, nhiều câu hỏi đã được đặt ra đối với đại diện đoàn giám định nhưng đều không có câu trả lời hoặc có câu trả lời nhưng không thỏa đáng.

Nói về quy định trần lãi suất theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, luật sư Được đánh giá, bối cảnh cơ quan chức năng ban hành quy định này là hầu hết các ngân hàng thương mại đều chi lãi ngoài, trong đó có cả Oceanbank. Tuy nhiên, phần lớn các tổ chức tín dụng đó đều chỉ xử lý hành chính.

Liên quan đến số tiền hơn 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc Oceanbank chiếm đoạt, bị cáo Nguyễn Thị Nga  - cựu Kế toán trưởng ngân hàng này bị cáo buộc là phạm tội với vai trò giúp sức, luật sư Được cho rằng không đúng. Bởi Thông tư 05 của Bộ Tài chính (quy định về chế độ sổ sách, kế toán) ban hành sau hành vi của bị cáo Nga.

Tương tự, về khoản tiền 109 tỷ nằm trong số tiền nêu trên cáo buộc bị cáo Nga đồng phạm, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng trên các chứng từ liên quan không có chữ ký của cựu Kế toán trưởng Oceanbank và bản thân bị cáo này cũng không phê duyệt, chỉ đạo bất cứ ai.

Cho rằng hơn 1.576 tỷ đồng không bị thiệt hại, luật sư Được bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của một số luật sư trước đó khi bào chữa cho cựu Chủ tịch Oceanbank là Hà Văn Thắm “không điên” khi cố tình đồng phạm để Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt hơn 155 tỷ đồng của mình. “Hà Văn Thắm không dại gì đưa diêm cho người khác đốt nhà mình”- vị luật sư bào chữa cho 10 bị cáo trong vụ án ví von.

Bị cáo Trần Thị Thiên Ngân - cựu Giám đốc Oceanbank Đà Nẵng tại phiên tòa

Trong phần bào chữa của mình, luật sư Được cũng cho rằng bị cáo Nguyễn Hoài Nam – cựu Giám đốc Khối nguồn vốn Oceanbank thì càng không cố ý làm trái. Vì thực tế bị cáo Nam chỉ là người lao động làm thuê nên phải chấp hành các cam kết của người lao động với chủ sử dụng lao động.

Nối tiếp phần bào chữa của luật sư Hoàng Huy Được, luật sư Nguyễn Thị Thùy Dương nhận trách nhiệm bào chữa cho 7 bị cáo từng giữ chức Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank là: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Vinh và Quy Nhơn (nằm trong nhóm 10 bị cáo) cũng cho rằng tất cả các bị cáo này đều không phạm tội như truy tố.

Theo phân tích của luật Dương, trước hết các bị cáo này chỉ là người lao động nên phải chấp hành quy định mà tổ chức lao động và người sử dụng lao động đặt ra. Tiếp đến là quá trình chi lãi ngoài ở Oceanbank, cả 7 bị cáo đều không được bàn bạc và thậm chí là không nhận chỉ đạo chi lãi ngoài trực tiếp. Việc chi lãi ngoài ở các chi nhánh này đều được thực hiện thông qua một cuộc họp.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là việc chi lãi ngoài ở các chi nhánh nêu trên không hề gây ra thiệt hại cho Oceanbank. Bằng chứng là báo cáo tài chính hàng năm (từ 2010 đến 2014) đã được kiểm toán cho thấy cả 7 chi nhánh, phòng giao dịch này đều có lãi từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.