Xét xử Hà Văn Thắm: Cựu Chủ tịch Oceanbank bị tố "ép người quá đáng"

ANTD.VN - Chiều 18-9, phiên xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cùng đồng phạm tiếp diễn với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho bị cáo Phấn.

Theo đó, tham gia bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ (vắng mặt tại tòa) là luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cùng một cộng sự. Tại phần luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị tòa án xử phạt Hứa Thị Phấn từ 17 năm tù đến 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt của tổ chức tín dụng”, theo Điều 179-BLHS.

Sở dĩ bị cáo Phấn bị truy tố về tội danh trên là do quá trình mua bán Ngân hàng TMCP Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín), bị cáo này đã cho bị cáo Phạm Công Danh mượn một số tài sản là bất động sản và quyền về tài sản trong tương để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng tại Oceanbank.

Vậy nhưng vấn đề là ở chỗ, các tài sản của bị cáo Phấn chưa đủ điều kiện để làm tài sản bảo đảm. Trong khi ấy, đứng ra “đạo diễn” vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín, Hà Văn Thắm đã “lệnh” cho cấp dưới ký hợp đồng tín dụng cho Công ty TNHH Một thành viên Trung Dung (Công ty Trung Dung, do Danh lập ra) vay khoản tiền đặc biệt lớn.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn

Mặt khác, sau khi giải ngân cho Công ty Trung Dung vay vốn, Oceanbank đã không giám sát dẫn đến việc Phạm Công Danh sử dụng đồng vốn vay ngân hàng trái mục đích và khiến Ngân hàng TMCP Đại Dương bị thất thoát hơn 343,5 tỷ đồng.  

Quá trình bào chữa cho bị cáo Phấn, luật sư Thảo cho rằng thân chủ của mình không đồng phạm với Hà Văn Thắm nên không phạm vào tội danh như VKS cáo buộc. Chứng minh cho quan điểm của mình, nữ luật sư viện dẫn khoản tiền 500 tỷ đồng từ Oceanbank không phải do bị cáo Phấn thụ hưởng.

Trái lại, toàn bộ khoản tiền này là do Phạm Công Danh thụ hưởng sau hàng chục giao dịch lòng vòng. Mặt khác, quá trình điều tra cũng như bị thẩm vấn ở phiên tòa, bị cáo Danh đã nhận trách nhiệm về khoản tiền mà Oceanbank đã giải ngân.

Nói về khối tài sản là 6 quyền sử dụng đất và một số quyền sở hữu về tài sản của bị cáo Phấn, luật sư Thảo chỉ ra rằng chúng đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý để trở thành tài sản bảo đảm khi vay vốn ngân hàng.

Cũng trong phần tranh luận tại phiên tòa, luật sư Thảo còn phân tích, đồng thời “trưng ra” một số tài liệu thể hiện bị cáo Phấn nói riêng và nhóm cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín nói chung (do bị cáo Phấn đại diện) đã bị cựu Chủ tịch Oceanbank o ép phải bán phần lớn cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín cho Hà Văn Thắm.

Tại tòa, Hà Văn Thắm bị nữ luật sư "tố" ép buộc bị cáo Phấn phải bán ngân hàng

Nữ luật sư cho rằng ở trong thế như vậy nên bị cáo Phấn không có quyền bàn bạc cũng như cùng chung ý chí vi phạm quy định về cho vay với cựu Chủ tịch Oceanbank. Hơn nữa, việc cho bị cáo Danh vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung không liên quan gì đến Hứa Thị Phấn.

Chứng minh cho thân chủ đã bị cựu Chủ tịch Oceanbank “chơi xấu”, luật sư Thảo trình bày trước sức ép của một cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước và Hà Văn Thắm, ngày 23-2-2012, bị cáo Phấn và các cổ đông buộc phải ký hợp đồng chuyển nhượng 84,92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín với giá hơn 4.468 tỷ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và được quyền sở hữu tài sản đảm bảo từ 29 khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng.

Ngay sau đó, theo yêu cầu của Thắm, bị cáo Phấn buộc phải giao toàn bộ bản gốc giấy chứng nhận sở hữu 84,92% cổ phần, đơn từ nhiệm của Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín và các giấy tờ liên quan. Tuy trên bản hợp đồng mua bán cổ phần đó mới chỉ có chữ ký của bị cáo Phấn. Tiếp đến, cựu Chủ tịch oceanbank đưa người vào tiếp quản Ngân hàng Đại Tín.

Thế nhưng về sau, Hà Văn Thắm lại đổi ý “đá” việc chuyển chủ Ngân hàng Đại Tín sang cho Phạm Công Danh với điều kiện Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh phải trả cho Thắm 1.200 tỷ đồng “hoa hồng”, rồi rút xuống còn 800 tỷ đồng và thực tế bước đầu đã nhận 500 tỷ đồng.

Tiếp tục “kể tội” cựu Chủ tịch Oceanbank, luật sư Thảo cho biết, ngày 11-4-2012, Thắm mới chuyển tiền mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín cho bị cáo Phấn, trong khi đã bàn giao lại toàn bộ giấy chứng nhận cổ phần gốc cho Danh. Thấy Thắm vi phạm hợp đồng, bị cáo Phấn từ chối việc mua bán ngân hàng.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Oceanbank không đồng ý, đồng thời gửi email cho chị Ngô Kim Huệ (cháu bị cáo Phấn và là lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín) với lời lẽ đe dọa. Cụ thể nội dung email này là “…Anh nói thêm với em rằng, việc mua cổ phần, xây dựng kế hoạch cho Đại Tín đã được anh báo cáo với các cơ quan. Nên anh không nghĩ ai đó có thể lật lại anh được, điều này 101% là không thể”.

Ngoài ra, trong những nội dung email Hà Văn Thắm gửi cho cháu bị cáo Phấn còn có đoạn: “Do em đã nhắn tin lo lắng cho Bà (bị cáo Phấn – PV) nên anh viết thư này, mong em lo lắng hơn nữa (!) vì sự việc nếu để thế này thì không chỉ là lo lắng mà nên lo sợ…”

Liên quan đến nội dung này, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng xuất phát từ việc đe dọa nêu trên nên về sau mới có cuộc mua bán phần lớn cổ phần Ngân hàng Đại Tín giữa nhóm cổ đông do Hứa Thị Phấn đại diện với Phạm Công Danh. Và sau cùng là dẫn tới hành vi bị cáo Phấn phải cho cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh mượn tài sản để bảo đảm khoản vay 500 tỷ đồng tại Oceanbank.