Xét xử cựu Chủ tịch PVTEX: Không góp tiền nhưng vẫn nhận 3 tỷ đồng

ANTD.VN - Ngày 30-8, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) cùng đồng phạm tiếp diễn phần tranh luận, đối đáp và chuyển sang nghị án.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa này là Trần Trung Chí Hiếu (SN 1963) – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX; Đỗ Văn Hồng (SN 1967) – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC.

Tiếp đến là Đào Ngọ Hoàng (SN 1978) – cựu Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX và Vũ Phương Nam (SN 1979) – cựu Kế toán trưởng PVTEX. Cả 4 bị cáo cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Trần Trung Chí Hiếu còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ”.

Chỉ truy tố hành vi tạm ứng 20 tỷ đồng

Về vấn đề chỉ định thầu, thay đổi thiết kế, VKS cho rằng cơ quan điều tra đã giám định và thấy có những sai phạm, trách nhiệm thuộc về Hiếu, và những cán bộ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã chưa ước lượng được thiệt hại trong việc lựa chọn nhà thầu và thay đổi thiết kế. Vì vậy, VKS chỉ truy tố hành vi cố ý làm trái trong việc tạm ứng 20 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (thứ 2, từ phải sang) và đồng phạm tại phiên tòa. 

Liên quan đến việc làm trái của các bị cáo trong ứng 20 tỷ đồng, VKS có trách nhiệm chứng minh hành vi của các bị cáo và những người liên quan. Việc xác định các quyết định của các bị cáo và người liên quan, VKS đã trưng cầu giám định của các cơ quan chuyên môn, Bộ Tài Chính… PVTEX cấp tạm ứng 20 tỷ đồng là trái với quy định pháp luật.

“Chúng tôi không thể đánh giá thiệt hại mà trưng cầu giám định của Bộ Tài chính để xác định số tiền hơn 19 tỷ đồng, từ đó VKS khẳng định có thiệt hại” – đại diện VKS nhấn mạnh.

Với bị cáo Hiếu, tại công văn số 97, bị cáo đã đồng ý việc tạm ứng. Bị cáo đã ký quyết định 13, đồng ý tạm ứng thêm cho nhà thầu 20 tỷ đồng, các cán bộ cấp dưới đã làm theo. Hành vi đó là trái pháp luật.

Với bị cáo Hoàng và Phương Nam tại tòa cũng đã khai nhận, việc cho tạm ứng là không đúng. Ngay từ đầu đã biết là sai nhưng vẫn làm. Việc cho tạm ứng thêm là vượt với hợp đồng 14. Biết sai mà vẫn vi phạm là hành vi cố ý làm trái. Tuy nhiên, VKS đã phân hóa trách nhiệm từng bị cáo nên đã đề nghị mức án nhẹ hơn với hai người này.

Về tội nhận hối lộ, việc các luật sư thừa nhận Hồng có khai đưa tiền và hai người đứng tên dù không góp vốn, VKS thấy bị cáo không góp 3 tỷ đồng, song vẫn nhận tiền khi thoái vốn và được người thân đưa cho. Bị cáo Hiếu biết được sẽ có 10% khi PVTEX Kinh Bắc thành lập.

Điều đó thể hiện là tại CQĐT, bị cáo có nhiều lời khai, trước khi trình văn bản lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thành lập PVTEX Kinh Bắc, Vũ Đình Duy (hiện đang bị truy nã) có nói về việc bị cáo Hồng có 70%, PVTEX 10%, Duy và Hiếu mỗi người có 10^%.

Dù bị cáo không góp vốn nhưng Duy đã nói sẽ lo việc đó. Bị cáo không phải bỏ ra 10% nhưng lại có số cổ phần này. Ngày 2-8-2010, người được bị cáo nhờ đứng tên đã ký vào văn bản thành lập, góp cổ phần. Nguồn gốc số tiền 3 tỷ đồng là của gia đình bị cáo Hồng.

Đại diện VKS nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là tại sao Hồng phải nộp thì bị cáo này đã khai báo là do thấy tiềm năng của PVTEX Kinh Bắc nên đã đồng ý đóng cho Duy và Hiếu mỗi người 10%, tương đương 6 tỷ đồng. Bị cáo Hồng phải đóng số tiền này vì Duy là Tổng giám đốc, còn Hiếu là Chủ tịch HĐQT. Cả hai người này có chức vụ lớn tại PVTEX và liên quan đến việc thành lập PVTEX Kinh Bắc.

Một vấn đề nữa là thỏa thuận Hồng và Duy. VKS thấy rằng Hiếu không trao đổi với Hồng nhưng có nói với Duy về việc này… Vấn đề cốt lõi là ở chỗ Hiếu không góp tiền, song khi thoái vốn thì lại nhận số tiền 3 tỷ đồng. “Bị cáo không trao đổi với Hồng nhưng tiếp nhận ý chí của Duy ngay từ đầu. Vì vậy, Hiếu và Duy nhận hối lộ là đúng” – VKS khẳng định.

Đề nghị xem xét thấu đáo tội nhận hối lộ

Đối đáp trước quan điểm của VKS, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hiếu) cho rằng, VKS khẳng định không truy tố hành vi chọn thầu, thay đổi thiết kế mà chỉ truy tố việc tạm ứng 20 tỷ đồng. Luật sư cho rằng, trước đó VKS đã đã truy tố cả những hành vi này nhưng hiện đã rút lại.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo tội "Nhận hối lộ" đối với bị cáo Trần Trung Chí Hiếu.

Luật sư Thiệp đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, bị cáo Hiếu không chối bỏ việc làm của mình là không sai mà chỉ đề nghị xem xét nguyên nhân, bối cảnh buộc phải đồng ý cho tạm ứng.

Theo luật sư, thời điểm đó, nhu cầu cấp thiết chỗ ở của hàng nghìn công nhân, đứng trước áp lực đó, với doanh nghiệp thi công đã hoàn thiện 80% công trình rồi, chỉ còn lại 20% mà không ứng tiếp thì sẽ gây khó khăn. Như vậy mục đích của Nhà máy sẽ không đạt được.

Theo luật sư vì lợi ích công cộng nên bị cáo Hiếu đã phải lựa chọn nhưng đã chỉ đạo ban điều hành thực hiện chủ trương phải đảm bảo nhưng lại có những sai sót. Luật sư đề nghị xem xét việc nếu nhà thầu thực hiện đúng mục đích thì cái sai đó không gây hậu quả, thậm chí ngược lại còn có thể coi là thành tích.

“Nếu sai trong thực hiện, thì bị cáo không phải chịu trách nhiệm. Đề nghị xem xét mức độ sai phạm cho bị cáo để có đánh giá khách quan với tội danh của bị cáo Hiếu. Đề nghị xem xét và chấp nhận nội dung VKS đã rút truy tố về việc chỉ định thầu và thay đổi thiết kế” – luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị.

Về hành vi cáo buộc bị cáo Hiếu nhận hối lộ 3 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị tòa án xem xét thấu đáo để tránh oan sai. Bởi theo luật sư, bản thân bị cáo có thừa nhận việc nhận 3 tỷ đồng khi thoái vốn, song khi ấy bị cáo cho rằng đó là tiền của Duy.

Trong nói lời sau cùng, Trần Trung Chí Hiếu đề nghị tòa xem xét bản thân không có ý định nhận hối lộ. Bị cáo Hồng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết để giảm nhẹ. Bị cáo Hoàng, Nam cũng đề nghị được khoan hồng để sớm trở về với gia đình, con nhỏ…

Ngày mai (31-8), HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra các phán quyết về vụ án.