Xét xử Châu Thị Thu Nga: Cựu Chủ tịch Housing Group bị đề nghị mức án chung thân

ANTD.VN - Sau một tuần xét hỏi, sáng nay (9-10), phiên tòa xét xử vụ án Châu Thị Thu Nga – cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cùng đồng phạm bước sang phần tranh luận.

Bước vào phần tranh luận, đại diện VKSND TP Hà Nội đã công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị HĐXX sơ thẩm lần lượt áp dụng các mức án cụ thể đối với từng bị cáo trong vụ án.

Theo đó, giữ vai trò lớn nhất, Châu Thị Thu Nga – cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group (Công ty Housing Group) và cựu Đại biểu Quốc hội Khóa XIII bị đề nghị mức án cao nhất đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 139-BLHS là tù chung thân.

Cùng tội danh, Nguyễn Trường Sơn, Lê Hồng Cương – cùng là cựu Phó Tổng giám đốc (TGĐ) và Phạm Thị Thu Hạnh - cựu Kế toán trưởng Công ty Housing Group cùng bị đề nghị xử phạt từ 7 năm tù đến 8 năm tù. Tiếp đến, Nguyễn Vũ Hùng – cựu Phó TGĐ Công ty Housing Group bị đề nghị áp dụng từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.

Ở vị trí kế tiếp, Phan Thanh Tuyên – cựu Phó TGĐ Công ty Housing Group bị đề nghị xử phạt từ 30 tháng tù đến 36 tháng tù; Nguyễn Thị Tình – cựu Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Housing bị đề nghị xử phạt từ 8 năm tù đến 9 năm tù; Lưu Thị Thúy – cựu Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Housing và Phạm Thị Thu Hạnh – cựu Kế toán trưởng cùng bị đề nghị áp dụng mức án từ 4 năm tù đến 5 năm tù.

Đại diện VKS bày tỏ quan điểm luận tội đối với Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm 

Và sau cùng là Đinh Phúc Tiếu – cựu Phó TGĐ,  Đoàn Thanh Thủy – cựu quyền Kế toán trưởng Housing Group lần lượt bị đề nghị xử phạt từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù và từ 3 năm tù đến 4 năm tù, đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về hình phạt bổ sung và trách nhiệm dân sự, đại diện VKS có quan điểm không áp dụng hình phạt bổ sung, đồng thời cũng không buộc phải bồi thường thiệt hại đối với tất cả các bị cáo là đồng phạm của Châu Thị Thu Nga.

Còn đối với cựu ĐBQH, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo này phải bồi thường cho các bị hại hơn 348 tỷ đồng đã chiếm đoạt và được đối trừ 2 tỷ đồng bị tạm giữ. Để bảo đảm thi hành án, cơ quan công tố đề nghị tiếp tục kê biên tài sản của Công ty Housing Group và vợ chồng Châu Thị Thu Nga.

Ngay trước đó, bày tỏ quan điểm về đường lối giải quyết vụ án, VKS cho rằng căn cứ hồ sơ vụ án cùng quá trình xét hỏi có đủ cơ sở xác định Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đúng như cáo trạng truy tố.

Bởi theo quy định tại Khoản 1, Điều 39 - Luật Nhà ở, trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua nhà thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng.

Trong khi đó, Dự án B5 Cầu Diễn chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và chưa được cấp phép xây dựng nhưng Công ty Housing Group vẫn huy động vốn bằng hình thức thu tiền đăng ký mua căn hộ của khách hàng từ năm 2009. Giúp sức cho Nga là các Phó TGĐ, thủ quỹ, kế toán và Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Housing.

Cựu ĐBQH - Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm tại thời điểm VKS luận tội

Để khách hàng tin tưởng, các bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối, quảng bá trên mạng internet, thi công 59 cọc khoan nhồi và lập mô hình quy hoạch dự án… Từ đó, các bị cáo đã ký hợp đồng và thu tiền của khách hàng dưới hình thức vay vốn lãi suất 0,6%/tháng, kèm theo quyền lợi được mua căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn.

Số tiền Housing Group thu của khách hàng là 377 tỷ đồng và mới hoàn trả lại 28,7 tỷ đồng cho 43 khách hàng. Số tiền còn lại là hơn 348 tỷ đồng, bị cáo Nga chiếm đoạt, hưởng lợi một mình. Trong đó, bị cáo chi một phần để triển khai, thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn và các dự án khác. Ngoài ra, bị cáo chi tiêu cá nhân, chạy dự án, trả tiền môi giới hoa hồng, đầu tư vào phim ảnh…

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của hàng trăm bị hại. Hành vi của Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm còn gây sự bất bình trong dư luận, xã hội. Do đó, cần phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo.

Vậy nhưng xét vai trò đồng phạm của các bị cáo trong vụ án có thể thấy hầu hết các bị cáo này chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi cá nhân trong số tiền chiếm đoạt và đều có nhân thân tốt nên cần thiết được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và xử dưới khung hình phạt của tội danh bị truy tố.