Xem xét trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành trong vụ Vinaca

ANTD.VN - Như tin ANTĐ đã đưa, ngày 20-4, Cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng đã khởi tố vụ án sản xuất sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ bột than tre.

Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hải Phòng đã điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc (SN 1994, trú tại Tổ dân phố Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng).

Theo đó, CATP Hải Phòng đã khởi tố vụ án về tội sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 Lãnh đạo CATP Hải Phòng cho biết, các phòng nghiệp vụ đang khẩn trương làm rõ đường dây sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của công ty Vinaca, được xác định bước đầu là làm từ bột than tre nứa. 

Quy trình chế tạo thuốc Vinaca tại xưởng sản xuất của Đào Thị Chúc được làm hoàn toàn thủ công

Đáng chú ý, Đào Thị Chúc là vợ của Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Vinaca có trụ sở tại số nhà 17, ngõ 40, phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Địa chỉ này được ghi trong Giấy chứng nhận “Top 10 thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017” do Viện chống làm giả - Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) trao tặng ngày 12-10-2017.

Lời khai của Chúc tại cơ quan điều tra cho thấy người này mượn giấy tờ pháp lý của Công ty TNHH Hồng An Phong, do Nguyễn Văn Tuấn (33 tuổi, trú tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng) làm giám đốc.

Đầu tháng 4, Sở Y tế Hải Phòng tiếp tục kiểm tra cơ sở do Nguyễn Văn Tuấn làm giám đốc và phát hiện tại đây đang sản xuất bột than tre. Theo lời Tuấn, số bột than này sẽ được chuyển cho công ty Vinaca, do chồng bà Chúc là Nguyễn Xuân Thu làm giám đốc.

Vinaca từ than tre được khẳng định là không có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư nhưng sản phẩm này vẫn được bán công khai

Quá trình điều tra, cơ quan công an còn xác định, Sở Y tế Hải Phòng đã cấp phép cho 6 sản phẩm mỹ phẩm của công ty do ông Tuấn làm giám đốc và được bà Chúc mượn tư cách pháp nhân. Trong số 6 sản phẩm này có một tên sản phẩm mỹ phẩm là “Ung thư Vi3”, số công bố sản phẩm 04/17/CBMP-HP ngày 28-6-2017 và “Tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập, căng thẳng, mệt mỏi” lại xin đăng ký là mỹ phẩm, số công bố sản phẩm 12/17/CBMP-HP ngày 27-7-2017. Vì sao tên sản phẩm của công ty Vinaca là “Ung thư Vi3” mà Sở Y tế Hải Phòng lại vẫn cấp phép là mỹ phẩm?

Xem một nhãn sản phẩm Ung thư Vi3, chúng tôi thấy có ghi công dụng: “Tăng sinh lý nam/nữ: Bôi hoặc xịt phủ một lượng sản phẩm vừa đủ lên da cơ quan sinh dục nam/nữ trước trong và sau quan hệ tình dục, cấp cứu ngay khi bị bỏng nặng, bỏng nhiệt, bỏng hóa chất; hoặc trong các thể bệnh zona, viêm da, dị ứng, tổn thương da, vẩy nến, á sừng, nấm, virus, ebola, sưng, phù... Tăng cường sức khỏe sinh sản...”. Còn sản phẩm “Tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập, căng thẳng, mệt mỏi” được khẳng định “có chứa các hạt vàng nano có khả năng chữa hoàn toàn bệnh ung thư da”. Điều đó có thể thấy sự tắc trách của cơ quan cấp phép khi cấp phép cho mỹ phẩm nhưng không quan tâm xem hồ sơ có đủ tiêu chuẩn để cấp hay không.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - cho rằng, chỉ những doanh nghiệp lừa bịp người dân mới cần danh hiệu, để lấy đó làm thương hiệu đánh gục niềm tin của người dân mê muội. Cơ quan chức năng cần xem lại trách nhiệm của đơn vị trao Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho Vinaca. Một đơn vị chống hàng giả lại trao giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho một công ty sản xuất hàng giả.

Ngay sau khi Vinaca được xác định thành phần làm từ than tre, tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đã có nhiều trụ sở công ty đóng cửa nhưng tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam nhiều trụ sở công ty Vinaca khác vẫn tưng bừng khai trương. Vì sao một sản phẩm đã bị Cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng khẳng định là không có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư mà vẫn công khai bán, lừa đảo người tiêu dùng, câu hỏi xin dành cho các cơ quan chức năng có liên quan.