Vụ vỡ đường ống nước Sông Đà: Nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường thiệt hại

ANTD.VN - Ngày 6-3, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà tiếp diễn với phần thẩm vấn. Trong đó, HĐXX đã công bố lời khai của ông Phí Thái Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). 

Trả lời HĐXX về nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà, các giám định viên có mặt tại phiên tòa cho biết, việc tiến hành giám định được thực hiện đúng quy định pháp luật. Theo cơ quan giám định, chất lượng xi măng, gạch, cát tại công trình thì được kiểm tra còn đường ống nước thì nhà thầu lại không kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến hậu quả vỡ đường ống nước.

Về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống nước sông Đà, giám định viên cho rằng do áp lực tiến độ, nhà thầu và đơn vị thi công đã dùng ống có “thành ống thi công không đồng đều, có khuyết tật trên bề mặt ống”. Vì thế, theo thời gian và do áp lực nước được bơm mạnh từ nhà máy đến các hộ dân nên dẫn đến việc vỡ đường ống.

Trong khi đó, được triệu tập đến tòa với tư cách là người liên quan nhưng ông Phí Thái Bình đã có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Để làm rõ các tình tiết  vụ án, HĐXX đã công bố lời khai của nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Theo đó, lời khai của ông Phí Thái Bình tại giai đoạn điều tra thể hiện, dự án cấp nước sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân Thủ đô. Dự án tiên phong đi đầu trong phong trào xã hội hóa, giải quyết nước sạch cho người dân Hà Nội, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án.

Các bị cáo trong vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà tại phiên tòa

Lời khai của ông Phí Thái Bình cho biết, dự án này được phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư với tổng mức 1.450 tỷ đồng đồng. Về vốn đầu tư gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có và vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Nguyên chủ tịch HĐQT Vinaconex cho rằng về hiệu quả dự án, giai đoạn 1 đã cung cấp khoảng 30% lượng nước cho người dân Thủ đô; cung cấp hơn 500 triệu m3 nước cho người dân, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đồng thời nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng.

Ông Phí Thái Bình cho rằng nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án và cũng không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex. Đối với việc lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị (ống nước), ông Bình khẳng định nhà máy có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án...

Khai báo trước tòa, ông Nguyễn Văn Tuân – nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, HĐQT làm việc theo chế độ tập thể và tuân theo điều lệ doanh nghiệp. Khi làm việc, biểu quyết đều trên cơ sở đồng thuận của 5 thành viên HĐQT.

Về chủ trương thay đổi vật liệu từ gang dẻo sang compoxit cốt sợi thủy tinh, ông Tuân trình bày, sau khi tiếp cận công nghệ, Vinaconex đã cử đoàn đi khảo sát, đánh giá. Sau đó còn tổ chức nhiều hội nghị để trao đổi về việc thay đổi vật liệu làm đường ống trên cơ sở phân tích đầy đủ hiệu quả, tính năng của vật liệu mới.

Nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cho rằng thời điểm đó, trong nước chưa có đủ năng lực để sản xuất ống nước theo công nghệ mới. Vì vậy, doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc học tập, sản xuất để làm ra loại vật liệu mới này. Không những thế, Vinaconex còn hy vọng sẽ xuất khẩu ống nước ra nước ngoài.

Khai báo tại tòa, ông Tuân đề nghị HĐXX xem xét toàn diện đối với những người thực hiện dự án. Bởi đây là lần đầu tiên áp dụng công nghệ mới về ống dẫn nước. Nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cũng khẳng định quá trình thực hiện dự án đều đúng quy trình với mong muốn dự án thành công.

Có mặt tại phiên tòa, đại diện Tổng công ty Vinaconex cho biết, dự án có 8 hạng mục chính với tổng đầu tư 1.450 tỷ đồng. Theo đại diện doanh nghiệp này, dự án đã lãi 116 tỷ đồng, trong khi thiệt hại là 16,6 tỷ đồng và số giờ mất nước của người dân chỉ là 0,56%.

Trong khi ấy, đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (nguyên đơn dân sự) khai, khi doanh nghiệp thành lập Vinaconex chiếm 100% vốn sở hữu nhưng đến nay đã bán hoàn toàn cổ phần. Công ty không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố đối với 23 ống bị vỡ.

Đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà nhìn nhận căn cứ để không đòi bồi thường thiệt hại là nghị quyết của HĐQT doanh nghiệp. Và về mặt thực tế là quá trình tiếp nhận, quản lý, khai thác tuyến ống đều tuân thủ theo quy trình vận hành, bảo trì được phê duyệt.

“Trong vụ án này, do đây dự án đầu tiên áp dụng công nghệ mới nên khó tránh khỏi sự cố. Từ đó, chúng tôi đã nhất trí không yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải khắc phục thiệt hại do đường ống vỡ xảy ra” – đại diện nguyên đơn dân sự nói.