Vụ thuê người chặt chân, tay để trục lợi 3,5 tỷ đồng: Gạ "cưa đôi" số tiền bảo hiểm cho công an

ANTD.VN - Trong nhiều ngày qua, không ít người đặt câu hỏi: Vì sao Lý Thị N. (SN 1986) ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội lại điên cuồng, quẫn bách đến mức thuê người chặt tay, chân để mong nhận tiền bảo hiểm? Khi tìm hiểu vấn đề này, phóng viên ANTĐ đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Giấy vay nợ mà Lý Thị N. viết cho Doãn Văn D

Nợ nần sinh quẫn bách

Theo các điều tra viên CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, N. quê ở tỉnh Tuyên Quang. Năm 2009, người đàn bà này lấy chồng rồi theo chồng về Hà Nội sinh sống. Sinh xong cô con gái đầu lòng, N. không an phận ở quê với bố mẹ chồng hiền lành và một người chồng có việc làm ổn định, quyết ra Hà Nội kinh doanh tự do tại địa bàn quận Tây Hồ.

Doãn Văn D. ghi tường trình tại cơ quan công an

Thế rồi, từ quán trà đá vỉa hè, N. trở thành người môi giới mại dâm. Năm 2014, N. bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Sau đó, TAND quận Tây Hồ đã xử N. 8 tháng tù giam, nhưng cho hoãn thi hành án, vì lúc đó N vừa sinh con và cháu bé đến nay mới tròn 2 tuổi. Đến bây giờ, bản án này vẫn chưa được thi hành.

Cuộc sống của N. hiện rất khó khăn khi sử dụng chân, tay giả

Từ phố về lại nhà chồng ở huyện Phúc Thọ, N. mở một cửa hàng kinh doanh ăn uống. Kinh nghiệm không có, N. vỡ nợ. Một ngày nọ, xuất hiện một nhóm đối tượng cồn đồ đến nhà N đòi nợ, đe dọa nếu không trả tiền sẽ giết N. hoặc bắt cóc 2 đứa con của cô ta. Bố mẹ chồng đã phải đôn đáo khắp nơi vay mượn, trả tiền cho các đối tượng cho vay lãi để giải quyết hậu quả.

Nhưng chỉ thời gian sau, với sự liều lĩnh, N. đã cầm 200 triệu đồng của người bà con họ hàng với lời hứa sẽ xin được việc cho em họ. Đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến việc làm quẫn bách sau này. 

Đối với Doãn Văn D., nam thanh niên này là khách quen thường xuyên đến quán nước của N. Đang có nghề cơ khí ở một cơ sở nằm tại nội thành, mỗi lần về nhà ở huyện Phúc Thọ, D. lại tạt vào quán nước ven đường của N. để nghỉ ngơi cho đỡ mệt rồi mới về nhà.

Khi N. đặt vấn đề thuê D. chặt tay, chân nhằm trục lợi tiền bảo hiểm, D. đã rất sửng sốt và không đồng ý. D. hiểu rõ đó là hành vi nguy hiểm đến tính mạng nên đã khuyên N. đừng làm như vậy. N. buồn bã than thở với D. nỗi niềm chôn giấu trong lòng: “Chị định gây sức ép để gia đình bán đất cho chị trả nợ, vì bây giờ đang nợ quá nhiều tiền”.

Liên tiếp trong thời gian 1 tuần, N. nhắn tin, gọi điện cho D. đề nghị ủng hộ kế hoạch của mình. Tuy nhiên, D. vẫn một mực không đồng ý. Chỉ 1 ngày trước khi sự việc xảy ra, N. nói với D. “Nếu em không giúp chị, chị không biết nhờ ai cả và chỉ có nước chết thôi”. Lúc này, D. sợ N. sẽ tự sát nên đành đồng ý làm cái việc có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra được. 

Bản hợp đồng “hủy hoại thân thể”

Khoảng 13h ngày 4-5, cả hai từ huyện Phúc Thọ về nội thành Hà Nội. Mỗi người đi một chiếc xe máy và N. dừng lại tại khu vực ngã tư Nhổn để mua dao. Sau đó, họ đến nhà nghỉ gần địa điểm xảy ra vụ việc để nghỉ ngơi. Tại đây, N. đã giao hẹn sẽ trả công cho D. 50 triệu đồng sau khi được thanh toán tiền bảo hiểm. Để làm tin, N. viết một giấy nhận nợ số tiền 50 triệu đồng.

Đến khoảng 23h cùng ngày, N. bảo chủ nhà nghỉ gọi giúp một chiếc taxi di chuyển đến khu vực xảy ra vụ việc và thực hiện việc tự hủy hoại thân thể thông qua sự giúp sức của D.

Nhằm tạo độ tin cậy về thông tin mình định về quê ở Tuyên Quang nhưng chồng không đồng ý theo kịch bản bị tai nạn giao thông, N. đã bảo D. sau khi làm việc xong với cơ quan công an thì quay lại nhà nghỉ, lấy xe của N. mang về bến xe Mỹ Đình, rồi mang chìa khóa về nhà cho bố mẹ chồng.

Trước khi để D. chặt chân, tay, N. đưa cho D. số tiền 500.000 đồng để trả tiền nhà nghỉ và mua xăng đi đường. Sau khi từ Bệnh viện Việt Đức về Bệnh viện huyện Phúc Thọ để điều trị, N. gọi điện thoại cho D. bảo vào chơi và đưa tiếp cho D. 500.000 đồng nữa. 1 tháng sau khi xảy ra vụ việc, N. gọi D. về nhà ở huyện Phúc Thọ và tại đây đã đưa cho D. thêm 2 triệu đồng. 

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng CAQ Bắc Từ Liêm khẳng định, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra vụ việc thuê người chặt chân tay để tự thương, nhằm được hưởng quyền lợi của bảo hiểm nhân thọ. Dù đã tạo ra nhiều câu chuyện hoang đường nhằm che giấu hành vi tự thương của mình, chịu đau đớn khi bị chặt tay, chân không cần tiêm thuốc giảm đau, nhưng kịch bản  của Lý Thị N. đã bị các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của lực lượng CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm lật tẩy, khẳng định sự công tâm, nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi mang tính trục lợi. 

Trung úy Nguyễn Quang Vũ, cán bộ thụ lý hồ sơ vụ việc cho biết, đã hơn 1 lần Lý Thị N. đề nghị cơ quan công an “bắt tay” với mình, xác nhận đây là vụ tai nạn đường sắt thông thường, nhằm được hưởng quyền lợi bảo hiểm và sẵn sàng chia nửa tổng số tiền bảo hiểm thanh toán. Song với trách nhiệm của người thực thi pháp luật, các điều tra viên đã làm việc hết sức tỉ mỉ, làm rõ từng dấu vết nghi vấn để sáng tỏ sự thật. 

Vụ việc cũng là bài học cho các công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam. Khi mời khách hàng ký hợp đồng mua bảo hiểm cần xem xét kỹ đến điều kiện tài chính của thân chủ, bởi một người bán nước chè như Lý Thị N. ở một vùng ngoại thành Hà Nội mua liên tiếp 2 hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn thì rất cần đặt dấu hỏi về mục đích(!). 

Trước câu hỏi về xử lý Lý Thị N. và Doãn Văn D., Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm cho biết đang xem xét vì hành vi này của cả hai người chưa được quy định trong pháp luật hiện hành.