Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Cấp trên đưa nên không thể không làm

ANTD.VN - Ngày 16-10, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục phiên xét xử các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.

Mở đầu ngày xét xử thứ hai, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Đinh Hải Sơn – nguyên cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 83, nay là PA03), Công an tỉnh Sơn La. Bị cáo Sơn từng được giao nhiệm vụ giám sát, bảo vệ khu vực chấm thi môn Ngữ Văn. Bị cáo này được cấp trên là ông Nguyễn Minh Khoa – Phó phòng PA03 (Công an tỉnh Sơn La) gọi đến nhà trao đổi, nhờ đưa thông tin nâng điểm cho thí sinh Lê Tất Thành.

Ngoài ra, bị cáo Sơn cũng muốn nâng điểm cho em vợ tên Ngô Lương Bảo Ngọc. Vì vậy, Đinh Hải Sơn đã nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga – nhân viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT (phòng Khảo thí) nâng điểm cho Thành với Toán 9,8 điểm, Tiếng Anh 9,8 điểm; Ngọc môn Toán 9,8 điểm và Lịch sử 9,8 điểm.

Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD&ĐT Sơn La) khai nhận tiền tỷ khi nâng điểm.

Bị cáo Sơn cũng nhờ bị cáo Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD&ĐT Sơn La) nâng điểm môn Văn cho thí sinh Ngọc lên 8,75 điểm. Bị cáo Sơn khẳng định ông Khoa chỉ nhờ giúp đỡ còn điểm số cụ thể nói trên do bị cáo này tự nghĩ ra sau khi tham khảo điểm đỗ của các trường đại học những năm trước. “Anh Khoa chỉ nhờ, không thỏa thuận gì. Bị cáo trả lời em sẽ xem, nếu thuận lợi em nhờ” – Sơn nói.

Tương tự, bị cáo Đỗ Khắc Hưng – cán bộ phòng PA03 (Công an tỉnh Sơn La) cũng được phân công bảo vệ, giám sát khu vực chấm thi, quản lý chìa khóa khu vực xử lý bài thi trắc nghiệm. Bị cáo Hưng được Phó phòng Nguyễn Minh Khoa trao đổi, đưa thông tin thí sinh Vũ Hoàng Điệp và nhờ nâng điểm môn Toán lên 9,0 điểm.

Sau đó, Hưng đã chuyển thông tin thí sinh này cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga nâng điểm. Ngoài ra, bị cáo Lò Văn Huynh khai ông Nguyễn Minh Khoa còn chuyển thông tin 2 thí sinh và kèm theo 1 tỷ đồng cho mình để nhờ giúp đỡ.

Tại phiên xử, chủ tọa phiên tòa Quản Hữu Chiến cũng đã ra lệnh dẫn giải ông Khoa tới tòa để làm rõ lời khai của một số bị cáo. Về cách thức sửa điểm, bị cáo Nga khai đã chuẩn bị bút chì, tẩy, đáp án của Bộ GD&ĐT rồi xóa hết hoặc xóa phần trả lời sai trong bài thi, tô lại vào câu trả lời đúng. Sửa đáp án xong, các bị cáo mới niêm phong nhưng ghi lùi ngày lại để hợp thức hóa.

Được hỏi động cơ, mục đích nâng điểm cho các thí sinh, bị cáo Nga trình bày: “Cấp trên đưa mình không thể không làm. Cấp trên là anh Yến, anh Hà, chị Nhàn”. Để nâng điểm, Nga khai, chỉ có cách là xóa và tô lại đáp án. Muốn nâng điểm thì túi bài thi không được niêm phong và cần sự hỗ trơ của bên Công an để rút bài thi.

Lý giải về việc làm sai trái của bản thân, cựu cán bộ Phòng khảo thí cho rằng ngoài quan hệ cấp trên – cấp dưới thì bị cáo này không có mục đích hay động cơ gì khác. “Họ đều nói là con cháu thân thiết, bị cáo rất nể và người ta đều tự động cảm ơn, bị cáo không đòi hỏi gì” – bị cáo Nga phân trần.

Theo cáo trạng, trong thời gian chấm thi, Nguyễn Thị Hồng Nga đã trực tiếp và thông qua các bị cáo khác trong vụ án để tiếp nhận thông tin của 40 thí sinh, thực hiện việc rút bài, sửa nâng điểm các môn thi trắc nghiệm; cùng bị cáo Đặng Hữu Thủy thực hiện việc xóa, quét lại bài thi đã sửa…

Ngoài ra, bị cáo Nga còn cùng 2 bị cáo khác rút phách môn thi tự luận để tác động nâng điểm cho 12 thí sinh. Là người chủ động thống nhất với các bị cáo về thời gian cùng nhau đến địa điểm rút bài thi mang về sửa, chuẩn bị phương tiện phục vụ cho việc sửa chữa bài thi.