Vụ chuyển tiền nhầm 4,5 tỷ đồng: Luật quy định thế nào?

ANTD.VN - Vụ chuyển tiền hy hữu 4,5 tỷ đồng vừa xảy ra ở TP.HCM mấy ngày nay đang được dư luận hết sức quan tâm, bởi người nhận nhất quyết không trả lại. Vậy những trường hợp như thế này sẽ được luật quy định như thế nào?

Theo VNE, bà Trần (62 tuổi, ngụ quận 7) phải khởi kiện ra TAND quận 3 (TP.HCM) - nơi có trụ sở công ty nhận tiền của bà, yêu cầu bị đơn trả lại tài sản.

Chuyển nhầm 4,5 tỷ đồng nhưng người nhận quyết không trả

Trong đơn kiện, bà cho biết, ngày 21-5-2018, bà đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chuyển hơn 4,5 tỷ đồng cho một công ty xuất nhập khẩu để góp vốn. Tuy nhiên, do sơ suất, bà đã chuyển nhầm vào tài khoản của công ty ở quận 3 - đối tác làm ăn của con trai bà. 

Hôm sau phát hiện sự việc, bà đến ngân hàng đề nghị trả lại. BIDV đã làm việc với ngân hàng đối tác lập lệnh chuyển lại cho bà Trần và có biện pháp tạm thời giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, phía công ty nhận được tiền không đồng ý trả, đồng thời muốn rút số tiền khỏi tài khoản. 

Theo nguyên đơn, số tiền này bà chuyển cho đối tác để góp vốn nắm giữ quyền quản lý, điều hành một công ty. Đây là lần góp vốn cuối cùng của bà. Tuy nhiên, khi trao đổi với con trai qua điện thoại bà nghe nhầm nên đã gửi vào tài khoản của công ty kia.

Trước đây con trai bà có giao dịch làm ăn với bị đơn, từng hai lần nhờ bà chuyển tiền nhưng với mục đích và nội dung khác, không liên quan đến việc góp vốn. Trước khi xảy ra nhầm lẫn, con trai bà với công ty này đã thanh toán các giao dịch nên không còn liên quan.

Vụ chuyển tiền nhầm 4,5 tỷ đồng: Luật quy định thế nào? ảnh 1

Bản án TAND quận 3, TP.HCM tuyên bà Trần thắng kiện. Ảnh: Phạm Dũng

Quá trình giải quyết vụ án, tòa nhiều lần triệu tập người đại diện theo ủy quyền của bị đơn nhưng ông này không đến. Tuy nhiên, trong đơn khiếu nại ngày 22-5-2018, bị đơn cho rằng số tiền nhận được là theo thỏa thuận giữa bà Trần và công ty bởi trước đây bà từng nhiều lần chuyển tiền cho họ. Hiện, 4,5 tỷ đồng trong tài khoản đã bị ngân hàng phong tỏa. Bị đơn cho là bà Trần có âm mưu lấy lại số tiền đã chuyển chứ không phải nhầm lẫn.

Là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, con trai bà Trần cho biết từng giao dịch ngoại tệ qua lại với phía bị đơn, song chỉ là trao đổi chứ không có hợp đồng hay thỏa thuận nào. Mỗi khi giao dịch, anh đều nhờ mẹ mình chuyển tiền cho công ty này. Ngày 21-5-2018, anh không yêu cầu mẹ chuyển tiền cũng không có bất kỳ giao dịch nào với công ty ở quận 3. Mẹ con anh chỉ có góp vốn làm ăn với công ty xuất nhập khẩu. Do sơ suất mẹ anh đã chuyển nhầm tài khoản. 

Sau nhiều lần triệu tập nhưng bị đơn vẫn không đến nên TAND quận 3 xử vắng mặt. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần, buộc bị đơn hoàn trả hơn 4,5 tỷ đồng đã nhận nhầm. 

Theo tòa, công ty ở quận 3 cho rằng có thỏa thuận chuyển tiền với bà Trần nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh hai bên có giao dịch dân sự hay hợp đồng mà bà Trần có nghĩa vụ phải thực hiện. Trong khi đó, công ty xuất nhập khẩu đã đưa ra nhiều tài liệu thể hiện tiến trình góp vốn làm ăn với bà Trần, việc chuyển hơn 4,5 tỷ đồng là nhằm mục đích này.

Hiện, tòa chưa nhận được kháng cáo của các bên.

Trách nhiệm của ngân hàng

Theo Tuổi trẻ, Giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng thương mại cho biết các ngân hàng đều có trách nhiệm trong việc hỗ trợ khách hàng xử lý tình huống chuyển tiền nhầm tài khoản. Trong đó, ngân hàng đầu gửi có hỗ trợ khách chuyển nhầm, còn ngân hàng đầu nhận phải phối hợp tra soát, kêu gọi người nhận tiền chuyển nhầm trả lại. Tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống ngân hàng mà có quy trình xử lý khác nhau.

Trường hợp tài khoản nhận cùng hệ thống, chủ tài khoản chuyển nhầm phải đến quầy của ngân hàng để yêu cầu tra soát chứng từ. Trường hợp tài khoản nhận khác ngân hàng, ngân hàng chuyển sẽ báo cho phía ngân hàng nhận về giao dịch nhầm này và phải chờ 3-5 ngày để phía ngân hàng đưa ra hướng xử lý. Ngân hàng đầu gửi sẽ làm thủ tục tra soát và báo cho ngân hàng đầu nhận thủ tục tra soát, so sánh hai thông tin để biết tài khoản nhận thực tế là ai.

Nếu người nhận không hợp tác, về nguyên tắc ngân hàng bên nhận có quyền từ chối hợp tác. Tuy nhiên, ngân hàng nhận phải có trách nhiệm kêu gọi người nhận tiền nhầm trả tiền lại. Người gửi có thể thông báo để nhờ ngân hàng đầu nhận phong tỏa số tiền đã chuyển nhầm (người nhận thấy tiền nhưng không rút hay sử dụng được).

Quy định về xử lý khi bị chuyển nhầm tiền

Thông tin trên NLĐ, theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), đối với người chuyển nhầm, nếu phát hiện chuyển nhầm vào tài khoản của ngân hàng hay vào tài khoản khác thì cần nhanh chóng có văn bản thông báo cho bên được chuyển nhầm về sự việc và yêu cầu chuyển lại tiền. Nếu bên được chuyển nhầm không trả, người chuyển nhầm có thể yêu cầu ngân hàng nơi mình thực hiện giao dịch để được hỗ trợ. Sau đó, nếu việc hỗ trợ của ngân hàng không có hiệu quả thì người chuyển nhầm có thể làm đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu trả lại tài sản. Hoặc người chuyển nhầm có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng để tố cáo hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người được chuyển nhầm.

Về trách nhiệm pháp lý của người nhận chuyển nhầm tiền của người khác: Pháp luật dân sự và pháp luật hình sự hiện hành đều điều chỉnh về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Theo đó, khi người chuyển nhầm đã yêu cầu hoàn trả số tiền họ chuyển nhầm thì người nhận chuyển nhầm có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã nhận.

Nếu cố tình không trả lại cho chủ sở hữu và người chuyển nhầm khởi kiện ra tòa thì khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh, người nhận chuyển nhầm phải hoàn trả theo bản án, quyết định của tòa án. Mặt khác, nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tại điều 176 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm và giá trị tài sản chiếm giữ mà người này có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù 3 tháng đến 5 năm.