Vụ chạy thận tại Hòa Bình: Chú ruột nói Hoàng Công Lương có kinh nghiệm nhất

ANTD.VN - Đó là khẳng định của bác sĩ Hoàng Công Tình - chú ruột bị cáo Hoàng Công Lương (người có quyền lợi liên quan) tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ chạy thận nhân tạo khiến 9 người tử vong.

Theo đó, ngày 18-1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xử vụ án 9 người tử vong sau chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).

Cáo trạng xác định, ngày 28-5-2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho lọc máu chạy thận nhưng sơ ý để axit nhiễm vào. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận, lọc máu (thuộc khoa Hồi sức tích cực) nghe một điều dưỡng nói đã sửa chữa xong nên ký y lệnh của các bác sĩ Huyền, Linh để lọc máu, khiến nước nhiễm axit đi vào 18 bệnh nhân.

Tại tòa, đại diện VKSND TP Hòa Bình hỏi ông Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình về nhiệm vụ, quyền hạn của bị cáo Lương. Ông Tình khai, bị cáo Lương và các bác sĩ khác trong đơn nguyên lọc máu đều được phân công điều trị bệnh nhân. Họ có chức trách nhiệm vụ như nhau và đều được phép ra y lệnh chạy thận.

Bị cáo Hoàng Công Lương đến tòa.

Các bác sĩ Lương, Huyền hay Linh đều đáp ứng điều kiện của bác sĩ là có chứng chỉ hành nghề nội khoa là được ra y lệnh. Việc này không yêu cầu chuyên khoa lọc máu vì đại học y không đào tạo chuyên khoa, chỉ đào tạo chuyên khoa nội nói chung.

Kiểm sát viên đề nghị ông Tình nêu quan điểm trước ý kiến cho rằng bác sĩ Lương có quyền ký y lệnh điều trị của các bác sĩ khác. Ông Tình đáp: “Cách nhìn nhận mỗi người khác, Lương tuổi đời, nghề nhiều hơn các bác sĩ Huyền, Linh... nên các bác sĩ đó có thể hỏi những gì chưa rõ. Trong ngành y, những ai có kinh nghiệm sâu, được đào tạo nhiều hơn sẽ chia sẻ cho những người khác, giống như trong bệnh viện giáo sư không quản lý nhưng có chuyên môn cao hơn”.

Ông Tình nói cụ thể: “Các bác sĩ thường hội ý trước khi chạy thận còn thực tế bác sĩ Huyền không nhất thiết phải cho bác sĩ Lương ký. Ở đây, bác sĩ Lương ký chỉ để chia sẻ vì có chuyên môn cao hơn... Do các bác sĩ đã thống nhất y lệnh nên 2 người có quyền, nghĩa vụ ngang nhau”.

Nói thêm về quy trình, bác sĩ Tình cho biết để chạy thận chu kỳ cần kết hợp nhiều bước và nhiều bộ phận, khi các điều kiện bệnh nhân đảm bảo về lâm sàng và máy móc cũng đảm bảo sẽ tới kết nối máy với bệnh nhân. Tuy nhiên, chú ruột bị cáo Hoàng Công Lương cũng cho biết, tại đơn nguyên thận, chỉ Hoàng Công Lương ký bệnh án thanh toán bảo hiểm y tế vì các bác sĩ Huyền, Linh chưa có chứng chỉ thận nhân tạo.

Về việc bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc, kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình khai đã bàn giao) máy móc, bác sĩ Hoàng Công Tình nói: “Sau sự cố 1 tháng, tôi nhận được bản photo quyết định đó nhưng đến giờ vẫn chưa thấy bản đóng dấu đỏ. Tôi không được giao và toàn bộ nhân viên tại khoa không ai biết việc đó”.

Chiều cùng ngày, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hòa Bình bất ngờ triệu tập một số chuyên gia y tế, thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đến tòa để làm rõ một số nội dung về chuyên môn trong vụ án. Hiện, vụ án vẫn trong giai đoạn thẩm vấn.