Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm: Cựu Kế toán trưởng PVN nói bị đồng phạm đổ tội

ANTD.VN - Chiều 21-3, phiên tòa xét xử vụ án Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp dẫn với phần xét hỏi của luật sư.

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán, kiểm toán PVN) còn bị xét xử thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Hành vi phạm tội của các bị cáo được xác định là đã dùng 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) trái quy định, dẫn đến thất thoát toàn bộ số tiền này của Nhà nước.  

Luật sư truy vấn Ninh Văn Quỳnh

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (Phó Tổng giám đốc PVN), luật sư Nguyễn Minh Tâm đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với thân chủ. Trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai, các doanh nghiệp và đặc biệt là PVN có các khoản chi đối ngoại, chi lễ tết nhưng những khoản này thường không được chi theo quy chế tài chính.

Nguyên Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn khai báo tại phiên tòa

Bị cáo Sơn cho rằng theo quy định hiện hành, mỗi lần chi lễ tết không quá 500 nghìn đồng/người nhưng thực tế doanh nghiệp cũng như xã hội, không mấy ai chi ở mức ấy… Liên quan đến nội dung này, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn quay sang hỏi bị cáo Đinh La Thăng.

Đáp lời, bị cáo Thăng khẳng định trong suốt thời gian làm Chủ tịch PVN cho đến hết tháng 7-2011, những hoạt động chi lễ tết, đối ngoại đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Quay lại hỏi thân chủ xoay quanh lời khai đã đưa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng PVN) số tiền rất lớn nhưng bị cáo này không thừa nhận, luật sư Tâm đề nghị bị cáo Sơn đánh giá. Theo nguyên Phó Tổng giám đốc PVN, bị cáo Quỳnh chỉ khai nhận một phần trong số tiền thực tế đã nhận.

Về căn hộ chung cư cao cấp mua cho bị cáo Quỳnh như lời khai trước đó, bị cáo Sơn khai thêm, cuối năm 2009, anh Quỳnh nói ngôi nhà đứng tên con trai anh ấy. Bị cáo còn lấy chứng minh thư nhân dân và sau đó trao đổi lại với anh Thắm (Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Oceanbank) để mỗi tháng khấu trừ lại 1 tỉ đồng. Sau đó anh Thắm chuyển cho bị cáo hợp đồng mua căn hộ ở Star City và bị cáo đã chuyển lại cho anh Quỳnh.

Được hỏi về việc mua bán căn hộ, Hà Văn Thắm nói: “Tôi chỉ nhớ đúng là đưa cho anh Sơn một bộ hợp đồng mua nhà và có chứng minh thư nhân dân nhưng tên ai thì tôi không để ý. Việc này nếu cần thì kiểm tra dự án là có thể biết ngay”. Hà Văn Thắm cũng khẳng định không bỏ tiền trả cho hợp đồng mua căn nhà này.

Bị luật sư truy vấn về việc nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Ninh Văn Quỳnh trước sau đều khẳng định chỉ nhận 20 tỉ đồng và hiểu là bị cáo Sơn dùng tiền của OceanBank đưa cho. Về vai trò gửi tiền vào Oceanbank, cựu Kế toán trưởng PVN thừa nhận bị cáo có vai trò quan trọng trong việc quyết định và là một khâu trong quyết định gửi tiền.

Tại tòa, cựu Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh cho rằng bị đồng phạm đổ tội

Giải thích về lời khai của bị cáo Sơn, bị cáo Quỳnh phân trần như bị cáo đã trình bày tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Oceanbank. Bị cáo và anh Sơn trong quá trình làm việc cũng không được “xuôi chèo mát mái”. Chủ tọa phiên tòa lần trước cũng hỏi bị cáo có phải “bằng mặt nhưng không bằng lòng không?” và bị cáo đã trả lời là đúng như vậy.

“Anh Sơn cố tình đổ cho bị cáo nhận số tiền rất lớn như vậy. Quá trình khai báo đổ tội của anh Sơn đối với bị cáo cũng rất phức tạp” – cựu Kế toán trưởng PVN nói, rồi dẫn ví dụ. Cụ thể, ở phiên tòa trước ban đầu anh Sơn phủ nhận việc nhận số tiền 69 tỉ đồng của Công ty BSC. Khi đó anh Sơn không khai bị cáo nhận đồng nào, dù thực tế, anh Sơn đã cho tiền bị cáo với hình thức “em biếu anh chai rượu, em biếu anh cái áo”...

Tiếp đến, khi làm Phó Tổng giám đốc PVN, anh Sơn đã nhận từ Oceanbank số tiền rất lớn và khai giữ lại 40%, giao cho bị cáo 60%, số tiền cụ thể chuyển cho bị cáo là 120 tỉ đồng. Sau đó tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 8-2017, anh Sơn thừa nhận đã nhận 69 tỉ  đồng từ Công ty BSC và trong số đó lúc đầu anh Sơn khai chuyển cho bị cáo 20-30 tỉ đồng, sau lại nói từ 30-40 tỉ đồng.

Mất vốn không thuộc trách nhiệm PVN?

Cũng tại phần thẩm vấn, nhiều luật sư tiếp tục đặt ra hàng loạt câu hỏi xoay quanh vấn đề PVN bị mất 800 tỉ đồng khi góp vào Oceanbank. Tại tòa, Hà Văn Thắm xác nhận, tháng 4-2014, có một công ty của Singapore chào mua 5% cổ phần của PVN tại Oceanbank. Kế đó, một công ty khác của Việt Nam cũng có văn bản chào mua 15% cổ phần của PVN tại Oceanbank.

Ngay sau đó, ông ta ký văn bản gửi PVN và Công ty chứng khoán Dầu khí đề nghị thực hiện điều chỉnh phần vốn góp. Tiếp đến, ngày 7-5-2014, PVN đã có văn bản gửi Chính phủ với nội dung trình Thủ tướng xem xét cho phép PVN được chuyển nhượng vốn của PVN tại Oceanbank sang tổ chức khác.

Trước tòa án, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mất vốn không thuộc trách nhiệm PVN 

Ngày 12-6-2014, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của một Phó Thủ tướng  cho phép PVN thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại Oceanbank bằng hình thức đấu giá công khai theo quy định. Trường hợp đấu giá không thành thì chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện phần vốn góp và báo cáo Thủ tướng.

Tuy nhiên, hai tuần sau, Văn phòng Chính phủ lại có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu PVN ngừng thoái vốn và giao cho Ngân hàng Nhà nước giải quyết. Sau đó tháng 5-2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định mua bắt buộc 100% cổ phần của Oceanbank và chấm dứt toàn bộ quyền và tư cách của các cổ đông.

Trả lời các câu hỏi luật sư nêu ra, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, lộ trình thoái vốn của PVN tại Oceanbank đã được xây dựng từ năm 2012 để trình Thủ tướng. Đến tháng 1-2013, lộ trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép lộ trình thoái vốn từ 2013 đến 2015.

"Các văn bản luật sư nêu ra cho thấy, việc xin thoái vốn của PVN tại Oceanbank đã có chỉ đạo từ tháng 3-2011, khi có công ty của Singapore xin mua 5% cổ phần và một công ty khác của Việt Nam xin mua 15% cổ phần. Ban đầu Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng sau đó lại không đồng ý. Việc mất vốn (tại Oceanbank) không thuộc trách nhiệm PVN”- bị cáo Thăng nhận định.

Chiều 21-3, đại diện Ngân hàng Nhà nước và đại diện Bộ Tài chính cũng đã trả lời hàng loạt câu hỏi đặt ra tại phiên tòa. Đại diện Bộ Tài chính cho biết năm 2008 và 2010, bộ này có ban hành 2 công văn trả lời Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc PVN góp vốn vào Oceanbank.

Theo đó, tại Công văn số 121441 ngày 14-10-2008 có nội dung: “PVN có đủ điều kiện theo quy định hiện hành để tham gia góp vốn vào Oceanbank… Để đảm bảo tính hiệu quả, đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank.

Đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này”.