Vợ Phan Văn Anh Vũ nói gì trong vụ hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng?

ANTD.VN - Sáng 10-1, phiên tòa xét xử hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng và 19 bị cáo liên quan tiếp diễn. HĐXX cho phép các tổ chức, cá nhân liên quan được trình bày ý kiến, quan điểm của mình.

Vợ Phan Văn Anh Vũ ước không có phiên tòa này

Theo đó, ở vụ án này, Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, từ năm 2006-2011); Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, từ năm 2011-2014) cùng các bị cáo liên quan lần lượt bị xét xử về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Các bị cáo bị xác định là đã gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng cho Nhà nước.

Trình bày trước tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ bị cáo Phan Văn Anh Vũ) ngậm ngùi: “Tôi ước gì phiên tòa này không hề diễn ra”. Nói về các tài sản đứng tên vợ chồng đang bị cơ quan điều tra kê biên, bà Hiền cho biết: “Tất cả những tài sản trên đều có sự đóng góp công sức và hi sinh của người vợ với người chồng. Tôi đề nghị HĐXX xem xét và cân nhắc đến những tài sản kê biên, đến quyền lợi của cá nhân tôi.”

Đối với nhà đất 22 Cô Giang, bà Hiền cho rằng, đó là tài sản của cá nhân bà. Năm 2007, bà mua miếng đất này bằng tiền tích cóp cá nhân và một phần là tiền vay khấu chi.

Trong quá trình bị thẩm vấn, Phan Văn Anh Vũ dọa kiện Công ty bán nhà cho mình.

“Kính mong HĐXX xem xét những tài sản đã bị kê biên và có khả năng thu hồi để bảo đảm quyền lợi của tôi. Hơn 500 con người là những cán bộ công nhân viên, giáo viên, lao động đang làm việc, cống hiến trên những tài sản, đất mà chúng tôi xây dựng, đầu tư. Họ đang rất cần những việc làm, kính mong HĐXX xem xét đến những đóng góp của chúng tôi cho thành phố và quyền lợi của những người lao động đang cống hiến, làm việc trên tài sản mà chúng tôi hết sức tâm huyết xây dựng lên.” - bà Hiền khẩn khoản.

Trong khi ấy, theo cáo trạng truy tố, nhà đất số 22 Cô Giang (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có diện tích 1.111,2 m2. Tháng 9-2006, sau khi biết được chủ trương tổ chức kiểm định, xác định giá trị nhà, đất tại số 22 Cô Giang để tiến hành bán đấu giá theo diện công sản của UBND TP Đà Nẵng, với mục đích mua lại nhà, đất công sản này, Phan Văn Anh Vũ đã làm Đơn xin mua và các thủ tục với Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng.

Khi ấy, Phan Văn Anh Vũ lấy tên vợ để ký kết giao dịch nhưng thực tế bà Nguyễn Thị Thu Hiền không tham gia việc mua nhà, đất công sản nêu trên và các chữ ký, chữ viết tên Nguyễn Thị Thu Hiền do Vũ thực hiện.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, hành vi của các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Nguyễn Công Lang, Nguyễn Thanh Sang, Phan Xuân Ít và Phan Văn Anh Vũ trong việc bán nhà, đất công sản số 22 Cô Giang là làm trái Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ, Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP ngày 30/8/2007 của Chính phủ. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 80 tỷ đồng.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ xác định lại thiệt hại

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch Đà Nẵng), luật sư Trần Việt Hùng cho rằng về nguyên tắc, việc kiểm tra chứng cứ phải được kiểm tra công khai tại tòa, lúc đó mới xác định được bị cáo có tội hay không. Cần phân hóa xem sai phạm thì sai ở khâu nào? từ đó mới dẫn tới trách nhiệm hình sự, mới có căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội và hành vi như thế vi phạm điều nào?

Luật sư đề nghị VKS cho biết, việc giảm 10% tiền sử dụng đất thì con số thiệt hại cụ thể là bao nhiêu? Việc bán chỉ định không qua chỉ định, giảm hệ số sinh lợi, thiệt hại là bao nhiêu? Cái này cần phải cụ thể. Ở đây, VKS áp ngay hình phạt đối với bị cáo là không chính xác.

Luật sư của bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng) nói thiệt hại không như truy tố. 

Đề nghị HĐXX thẩm vấn hành vi liên quan của các bị cáo đến từng căn nhà, làm rõ trách nhiệm ở từng khâu. Theo luật sư, không có con số thiệt hại hơn 11.000 tỷ. Thiệt hại phải tính ở thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Cần xác định mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả.

Hành vi có thể trái pháp luật nhưng không gây hậu quả thì không truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Hùng cho rằng, trong vụ án này, việc áp dụng tội danh là không có căn cứ. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét đến điều 323, BLHS, quay lại thẩm vấn lại từ đầu những vấn đề chưa rõ để làm rõ.

Chốt lại bài bào chữa, luật sư Hùng nói: “Muốn giải quyết triệt để vụ án, phải xem xét đến phương án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Việc đấu tranh chống tham nhũng là cần thiết, nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật”.

Bào chữa cho cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, luật sư Phan Thị Lệ Tuyên đưa ra quan điểm, đối với 7 dự án bị cáo Minh bị quy kết, luật sư đồng tình với các luật sư khác khi cho rằng, không phải thực hiện đấu giá.

Đối với dự án 29 ha, theo luật sư, đây là dự án lấn biển. Bị cáo Minh đã nói rõ, với dự án 29 ha này, Đà Nẵng không bỏ tiền đầu tư, không mất gì, chỉ mất mặt nước biển, nhưng lại có những cái lợi khác.

Vẫn theo luật sư, việc giảm giá 10% tiền sử dụng đất tuy chưa được pháp luật quy định nhưng nếu tính bài toán kinh tế của Đà Nẵng thời điểm đó thì doanh nghiệp nộp tiền, thành phố có dòng tiền dùng để phát triển. Việc giảm giá 10% này là sự sáng tạo của Đà Nẵng, dù chưa phù hợp với quy định của pháp luật nhưng làm lợi cho thành phố. Việc giảm giá 10 % này áp dụng với tất cả các tổ chức, cá nhân chứ không riêng gì Phan Văn Anh Vũ.

Luật sư cho rằng, chủ trương giảm 10% tiền sử dụng đất, bị cáo Minh chỉ là người kế thừa chủ trương của các lãnh đạo cũ. Chủ trương này được thực hiện xuyên suốt qua các thời kỳ Chủ tịch khác nhau và đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Luật sư bày tỏ quan điểm không đồng tính với cách tính thiệt hại trong vụ án, cho rằng Hội đồng định giá trung ương có sự nhầm lẫn, dẫn đến phương pháp tính sai lầm và đề nghị HĐXX không đưa ra mức án nào, đồng thời trả hồ sơ để xác định lại thiệt hại.