Vợ chồng chủ quán phở lĩnh án

(ANTĐ) - Sáng qua 21-1, tại trụ sở TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội đã diễn ra phiên xét xử công khai vợ chồng chủ  quán phở Trịnh Thị Hạnh Phương và Chu Văn Đức về hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và hành hạ em Nguyễn Thị Thông (tức Bình) với 424 vết sẹo trên toàn cơ thể. Phiên tòa thu hút hàng nghìn người dân tới tham dự cùng nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí.

Xét xử vụ em Nguyễn Thị Thông bị hành hạ hơn 10 năm:

Vợ chồng chủ quán phở lĩnh án

(ANTĐ) - Sáng qua 21-1, tại trụ sở TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội đã diễn ra phiên xét xử công khai vợ chồng chủ  quán phở Trịnh Thị Hạnh Phương và Chu Văn Đức về hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và hành hạ em Nguyễn Thị Thông (tức Bình) với 424 vết sẹo trên toàn cơ thể. Phiên tòa thu hút hàng nghìn người dân tới tham dự cùng nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí.

>>> Để cho vợ, chồng họ tu dưỡng thành người!

>>>Video clip: Cặp vợ chồng tàn ác hầu tòa

Những trận đòn tàn ác

8h30, phiên tòa khai mạc. Trong phần thủ tục, người bị hại – em Nguyễn Thị Thông đề nghị từ chối quyền được bào chữa đối với Luật sư Ngô Quý Lễ và đồng ý để 2 luật sư của Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Lời đề nghị trên được HĐXX chấp thuận.

Để phần thẩm vấn cũng như lấy lời khai tại tòa được khách quan, hơn nữa, do 2 bị cáo là vợ chồng nên HĐXX quyết định cách ly các bị cáo để lấy lời khai từng người một. Trịnh Thị Hạnh Phương được giữ lại trước vành móng ngựa và trong nước mắt, bị cáo này cúi đầu khai nhận những tội lỗi mình đã gây ra đối với Nguyễn Thị Thông.

Em Nguyễn Thị Thông (tức Bình) tại phiên tòa
Em Nguyễn Thị Thông (tức Bình) tại phiên tòa

Theo cáo buộc của VKS, vào cuối năm 1993, chị Nguyễn Thị Quảng cùng con gái là Nguyễn Thị Thông, quê ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ra Hà Nội làm giúp việc cho vợ chồng Chu Văn Đức và Trịnh Thị Hạnh Phương. Một thời gian sau, chị Quảng bỏ đi, để lại người con gái khi đó khoảng 10 tuổi cho vợ chồng Chu Văn Đức.

Từ năm 2002 đến 2007, Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương đã chửi bới, hành hạ tàn ác đối với Nguyễn Thị Thông (Bình) khiến em bị tổn hại 34% sức khỏe.

Trong những tháng ngày sống ở nhà vợ chồng chủ quán phở, có địa chỉ tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Thông thường xuyên bị bà Phương chửi mắng, hắt hủi thậm tệ. Đã nhiều lần hắt nước nóng vào người; quật bằng cây liếc dao, roi tre, thanh gỗ, dây điện... Thậm chí, không ít lần Phương còn đi sục đá vào mặt, vào “vùng kín”, lấy dao nhọn đâm vào ống chân em Thông. Hoặc buộc em phải cởi quần áo quỳ dưới trời lạnh nhiều tiếng đồng hồ không cho vào nhà.

Tàn ác không kém vợ, bị cáo Đức cũng thường xuyên chửi bới, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Nhiều lần Đức dùng gậy tre chọc vào đầu ngón chân của em Thông, dùng kìm kẹp vào thịt hai bên mạng sườn... gây nên nhiều vết thương rỉ máu trong nhiều ngày. 424 vết sẹo trên toàn cơ thể cô gái đã chứng minh cho sự tàn ác, vô nhân tính này.

Vì muốn giáo dục nên đã đánh đập(!?)

Đó là lý do được bị cáo Phương liên tục đưa ra khi giải thích với HĐXX về những hành vi nhục hình đối với Nguyễn Thị Thông. Bị cáo này thừa nhận đã dùng muôi hắt nước sôi vào người em Thông với lý do để dọa và giáo dục. Tại tòa, bị cáo Phương khai, sau mỗi trận đòn, Phương đều chăm sóc em Thông chu đáo và bị cáo này đã khóc rất nhiều vì thương Thông.

Vợ chồng Đức, Phương trước vành móng ngựa
Vợ chồng Đức, Phương trước vành móng ngựa

Tuy nhiên, chi tiết này không những không làm HĐXX động lòng mà khiến  cả phòng xử án tức giận. Tiếp tục lý giải chuyện không trả tiền lương cho em Thông, bị cáo Phương cho rằng, gia đình bị cáo coi Thông như con cháu trong nhà nên khi nuôi em lớn lên sẽ gả chồng, thậm chí sẽ cho em một ít của hồi môn...

Còn chuyện không cho Thông đi học vì bản thân em không muốn đi. Hơn nữa gia đình cũng khó khăn, nhà lại nghèo, Thông lại không có giấy khai sinh, do vậy không xác định chính xác tuổi của em được.

Ngược với thái độ khá ăn năn hối cải của người vợ, Chu Văn Đức tỏ ra lỳ lợm và  liên tục đề  nghị HĐXX xem xét đến công lao mà gia đình Đức nuôi dạy em đến nay. Giải thích về những hành vi đánh đập, Đức cho rằng đã coi Thông như con cháu trong nhà nên đánh em cũng như đánh con mình, và đánh là để giáo dục?!

Đến ngày đền tội

Trước khi HĐXX chuyển sang nghị án, các luật sư bào chữa cho Thông đã yêu cầu 2 bị cáo phải bồi thường trên 215 triệu đồng cho người bị hại, trong khi đó, vị đại diện VKS chỉ đề nghị mức tiền 38 triệu đồng.

Sau khi nghị án khá lâu, đúng 17h, HĐXX đã tuyên án. Bản án được xem là khá hợp lý và nhận được sự đồng tình của những người theo dõi phiên tòa khi tuyên Chu Văn Đức (SN 1963), trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội 36 tháng tù cho cả hai tội nhưng cho hưởng án treo và người vợ là Trịnh Thị Hạnh Phương (SN 1962) mức án 45 tháng tù.

Ngoài ra, về vấn đề bồi thường dân sự, HĐXX đã đưa ra mức 50,4 triệu đồng, gồm tiền lương, bồi thường sức khỏe bị mất do những trận đòn roi và là tiền bồi thường về danh dự nhân phẩm.

Bảo Thắng - Việt Anh