Xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Viện kiểm sát khẳng định không chỉ tập trung vào chứng cứ buộc tội

ANTD.VN - Hôm qua (16-1), phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cùng đồng phạm tiếp diễn phần tranh luận.

Sau phần đối đáp của Viện kiểm sát (VKS), phiên tòa trở nên “nóng” hơn khi mọi vấn đề, tình tiết của vụ án đều được mổ xẻ một cách cởi mở và dân chủ. Điều khiến những người theo dõi phiên xử khá bất ngờ là hầu hết quan điểm mà các luật sư nêu ra đều được kiểm sát viên Đào Thịnh Cường - một trong ba người thực hành quyền công tố tại phiên tòa lý giải thuyết phục. 

Viện kiểm sát khẳng định không chỉ tập trung vào chứng cứ buộc tội ảnh 1Luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cho rằng: “Người làm sai đầu tiên trong việc ký Hợp đồng số 33 là Ban giám đốc PVPower”

Luật sư đề nghị tuyên thân chủ không phạm tội

Tranh luận tại tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) cho rằng VKS “có sự lẫn lộn” trong việc tính thiệt hại ở vụ án. Bởi đây là vụ án hình sự nên hậu quả của hành vi phạm tội phải là hậu quả thực tế đã xảy ra, không thể tính hậu quả trong tương lai.

“VKS cho rằng số tiền chưa dùng đến và gửi ngân hàng lấy lãi là phù hợp. Vậy tôi đề nghị đưa ra căn cứ để xác định việc tính lãi suất trên tiền gửi có kỳ hạn, thời gian gửi là bao nhiêu để tính thiệt hại? Căn cứ nào tính số tiền này nằm trong tài khoản bao lâu không được sử dụng đến (số tiền này nằm ở tài khoản thanh toán)?” - luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề xuất.

Đặc biệt, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng còn đề nghị VKS chứng minh việc một doanh nghiệp sử dụng tiền ngân sách được phép gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi. 

Tranh luận tiếp sau đó, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cũng cho rằng việc tính thiệt hại dựa trên lợi ích của tài sản khai thác trong tương lai là “không phù hợp”.

Theo luật sư Trần Hồng Phúc, thực tế những năm trước đã xảy ra vụ án Ngân hàng ACB khi ủy thác đầu tư để lấy lãi vay dẫn đến bị xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó, luật sư này cho rằng nếu vụ án lại tính thiệt hại là lãi vay thì đồng nghĩa với việc đi ngược lại đường lối xử lý của vụ án trước. “Cái sai trong vụ án này lại là cái đúng trong vụ án khác thì rõ ràng thể hiện quan điểm tiền hậu bất nhất của chúng ta”- luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói.

Đến lượt mình, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) khẳng định, chủ trương thực hiện Dự án Thái Bình 2 là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong vụ án này có nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của PVPower nhưng chưa được làm rõ. “Người làm sai đầu tiên trong việc ký Hợp đồng số 33 là Ban giám đốc PVPower” - luật sư Nguyễn Văn Quynh nói.

Cũng theo vị luật sư này, VKS không đưa ra được chứng cứ chứng tỏ bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) ký Hợp đồng số 33. Từ những tranh luận đưa ra, luật Nguyễn Văn Quynh cùng một đồng nghiệp khác đi đến đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh vô tội về tội “Cố ý làm trái” và cũng không phạm tội “Tham ô tài sản”.

Viện kiểm sát khẳng định không chỉ tập trung vào chứng cứ buộc tội ảnh 2Ông Đào Thịnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đối đáp với các luật sư tại phiên tòa

Không phải đánh giá trách nhiệm các bị cáo theo “bảng lương” 

Đối đáp lần thứ hai trước quan điểm của các luật sư vào chiều qua, VKS cho rằng liên quan đến tội “Tham ô tài sản”, cơ quan truy tố đã đưa ra ý kiến phân tích, đánh giá chứng cứ hết sức khách quan, phù hợp với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ không có gì mới. Những vấn đề đã được phân tích, đánh giá đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. 

Về nội dung bào chữa cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không cố ý làm trái, VKS thấy cũng không có gì mới so với tranh luận trước đó. Xoay quanh phần đối đáp chỉ là quan điểm đánh giá chứng cứ của VKS và quan điểm đánh giá của các luật sư.

“Đề nghị HĐXX căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa để quyết định” - VKS đề nghị. Đưa ra nhìn nhận về quan điểm của các luật sư, VKS cho rằng phiên tòa đã thể hiện được sự dân chủ.

Tại phần tranh luận, các luật sư đều nêu ra quan điểm, yêu cầu VKS tranh luận lại và các quan điểm đó cơ bản đã trả lời hết. Luật sư nhắc tới tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự mới, VKS hiểu rõ tinh thần này. Vì thế VKS không chỉ nhăm nhăm vào các chứng cứ buộc tội các bị cáo.

 VKS cũng nhìn nhận, các luật sư đề cập nhiều đến vấn đề kinh nghiệm, năng lực nhà thầu PVC. Ngay trong cáo trạng, hồ sơ, lời khai tại tòa của các bị cáo cũng thừa nhận việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu là không đúng nghị quyết của HĐTV PVN.

Quá trình lập luận, VKS đã cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo. Về thiệt hại, xác định có hay không có thiệt hại, mức độ thế nào? VKS nêu quan điểm, các bị cáo, trong đó có cả chuyên gia tài chính như bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận là có thiệt hại. Chỉ có điều mức độ thiệt hại được đánh giá khác nhau. Thiệt hại ở đây là thiệt hại đã xảy ra, chứ không phải là thiệt hại dự báo hay thiệt hại tương lai.

Nhìn nhận quan điểm của luật sư khi so sánh với vụ án ACB, VKS cho rằng đưa ra thông tin cần phải đầy đủ. Bởi vụ án ACB là Ngân hàng ACB ủy thác cho cá nhân gửi tiền tại Vietinbank và bị chiếm đoạt. Nhà nước không cấm doanh nghiệp gửi tiền nhưng trong vụ án đó là ACB ủy thác cho cá nhân, điều này pháp luật không cho phép.

Về việc luật sư nêu trong Bộ luật Hình sự mới không còn quy định Điều 165 về tội “Cố ý làm trái…” và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ, VKS thấy rằng việc áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 có Nghị quyết 41 của Quốc hội, quy định có một số loại tội, trong đó có tội “Cố ý làm trái”, xảy ra trước 0h ngày 1-1-2018, đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn xử lý.

Đối với việc cá thể hóa trách nhiệm của các bị cáo, VKS đã đánh giá, xem xét hành vi của các bị cáo trong một chuỗi các hành vi. VKS khẳng định là đã xem xét hành vi, vai trò của từng bị cáo, không phải đánh giá trách nhiệm các bị cáo theo “bảng lương”. VKS cũng nhìn nhận vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng. Vai trò của các bị cáo sau ở PVN là biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái. “VKS thấy có đủ cơ sở buộc tội các bị cáo. Trên cơ sở đó, HĐXX sẽ cân nhắc để ra bản án có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật” - đại diện VKS kết luận. 

Đưa ra nhìn nhận về quan điểm của các luật sư, Viện kiểm sát cho rằng phiên tòa đã thể hiện được sự dân chủ. Tại phần tranh luận, các luật sư đều nêu ra quan điểm, yêu cầu Viện kiểm sát tranh luận lại và các quan điểm đó cơ bản đã trả lời hết. Luật sư nhắc tới tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự mới, Viện kiểm sát hiểu rõ tinh thần này. Vì thế Viện kiểm sát không chỉ nhăm nhăm vào các chứng cứ buộc tội các bị cáo.