Việc thu nợ trái pháp luật - Do buông lỏng quản lý
(ANTĐ)- Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội tiếp tục nhận được đơn tố cáo hành vi thu nợ trái pháp luật của Cty CP thu nợ Phương Đông và một số công ty khác có cùng chức năng.
Nhân viên Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông (đầu trọc ) bị lực lượng Công an bắt quả tang về hành vi bắt giữ người trái pháp luật |
Cơ quan CSĐT đang tiếp tục phân loại, xác minh và khẩn trương làm rõ những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thu nợ, một loại hình kinh doanh nhạy cảm về ANTT và cũng là môi trường dễ phát sinh tội phạm.
Tiềm ẩn hoạt động của tội phạm
Trong quá trình điều tra, làm rõ những việc làm vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội nắm được công ty này không chỉ hoạt động thu nợ ở Hà Nội, mà còn vươn ra địa bàn các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.
Trước khi bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản tại trụ sở công ty ở 90 phố Vọng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, nhân viên của công ty này còn liên quan đến vụ gây rối TTCC và cố ý gây thương tích tại tỉnh Vĩnh Phúc. Mọi hoạt động mang tính chất bạo lực nghiêm trọng nêu trên, đều nhằm mục đích thu nợ theo hợp đồng với các chủ nợ.
Điều đáng nói ở đây là trước khi hành xử, nhân viên công ty thu nợ này không cần biết nguồn gốc món nợ, chỉ cần có hợp đồng ủy quyền thu nợ là dùng mọi thủ đoạn đê hèn để siết nợ đến cùng, nhằm hưởng lợi nhuận. Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội rất bức xúc: Qua khai thác các đối tượng bị bắt giữ, cơ quan công an rút ra được 6 thủ đoạn chúng thường áp dụng để thu nợ trái pháp luật.
Thứ nhất, dùng số đông các đối tượng có ngoại hình dữ tợn bao vây, uy hiếp các “con nợ” tại nhà riêng, hoặc cơ quan để tạo áp lực. Thứ hai, chúng đến cơ quan doanh nghiệp, nhà riêng... các “con nợ” để giương băng rôn, biểu ngữ, chửi bới, lăng mạ, bêu xấu gây mất uy tín, ảnh hưởng đến tinh thần của người bị hại.
Vấn đề thứ ba rất nghiêm trọng, chúng tổ chức theo dõi bí mật đời tư như các quan hệ nam nữ, cờ bạc, hoặc có trường hợp theo dõi cả con cái các “con nợ” học hành ra sao, ở đâu... để khống chế, đe dọa. Ngoài ra, chúng dùng những thủ đoạn nhắn tin, gọi điện thoại liên tục nhất là ban đêm để gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cho “con nợ”.
Tổ chức theo dõi, bao vây, dùng số đông cưỡng bức, thậm chí dùng vũ lực bắt giữ con nợ về trụ sở công ty, sau đó yêu cầu gia đình phải đem tiền đến nộp. Nghiêm trọng hơn, khi không đòi được nợ bằng các biện pháp nêu trên, chúng sử dụng vũ lực gây thương tích, đập phá tài sản nếu con nợ có hành vi chống lại hoặc không tuân theo yêu cầu của chúng.
“Không chỉ có Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông áp dụng 6 thủ đoạn trên để thu nợ trái pháp luật, mà một số công ty thu nợ khác trên địa bàn thành phố cũng có những dấu hiệu hoạt động phạm tội tương tự. Cơ quan điều tra đang tiếp tục thu thập tài liệu để làm rõ những hành vi thu nợ trái pháp luật của các công ty thu nợ đang hoạt động trên địa bàn.
Những việc làm trái pháp luật của các công ty thu nợ đều xâm phạm nghiêm trọng các quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, thân thể, danh dự của người dân và các quy định khác của pháp luật. Gây mất ANTT cho xã hội, bức xúc trong dư luận nhân dân và cần phải xử lý nghiêm khắc!” - Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng khẳng định!
Cần siết chặt quản lý dịch vụ thu nợ
Qua các tài liệu đấu tranh với ổ nhóm tội phạm núp dưới danh nghĩa Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông cho thấy, những hoạt động của chúng đều mang tính công khai, trắng trợn, nhưng tuyệt nhiên không gặp phải bất cứ một trở ngại nào từ phía các cơ quan chức năng.
Chỉ đến khi lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội tổ chức điều tra, xác minh, theo dõi, phục kích mới phát hiện, bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật của chúng. Theo lời khai của các thành viên Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông, trước khi nhận một hợp đồng ủy quyền thu nợ, bên A (chủ nợ) phải chi trước cho bên B (công ty thu nợ) 15 triệu đồng.
Đây là khoản lệ phí được công ty thu nợ tự quy định trong các điều khoản giữa 2 bên, dùng làm tiền bồi dưỡng cho nhân viên thu nợ đi thu thập tài liệu, nắm tình hình hoạt động, cũng như nghiên cứu đời tư của “con nợ”... Sau khi hợp đồng giữa các bên được ký kết, công ty thu nợ thảo công văn thu hồi nợ thông qua ủy quyền của bên A và xuất trình công văn đó cho chính quyền nơi cư trú của “con nợ” biết trước khi thu nợ.
Nhìn bên ngoài thì thấy sự việc tưởng chừng có quy trình và nghiêm túc, nhưng trên thực tế công ty thu nợ đã lợi dụng danh nghĩa pháp nhân được các cơ quan chức năng cấp trong lĩnh vực hoạt động thu hồi nợ và những công văn tự thảo để che mắt các cấp chính quyền dưới cơ sở, nhằm thực hiện hành vi thu nợ trái pháp luật.
Qua điều tra, cơ quan công an được biết Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông cũng như nhiều công ty thu nợ khác đang hoạt động trên địa bàn thành phố đều hoạt động mang tính tự phát, không theo một quy trình, hướng dẫn cụ thể nào từ phía các cơ quan chức năng cấp phép và quản lý, theo dõi loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT này. Phải chăng, đây chính là kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thu nợ, một loại hình kinh doanh dịch vụ đang phát triển hiện nay?
Hiện tại, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã trình Ban Giám đốc CATP công văn kiến nghị với UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tạm dừng cấp phép thành lập cho các công ty cổ phần, công ty TNHH có chức năng thu nợ.
Đồng thời, CATP Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản quy định hoạt động của các loại công ty này. Đặc biệt, cần xếp loại hình kinh doanh dịch vụ này vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành các văn bản quy định quản lý Nhà nước với loại hình công ty thu nợ.
Hà Trang