Vì sao cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng vẫn bị đề nghị truy tố về hành vi "cố ý làm trái"?

ANTD.VN -Ngày 4/5, Cơ quan CSĐT-Bộ Công an đã hoàn tất điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 6 bị can, trong đó có ông Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS 1999.

Liên quan đến sự việc trên nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Tại sao trong BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 không còn tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng BLHS 1999 sửa đổi để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng về tội này?

Vì sao vẫn áp dụng Điều 165 BLHS 1999?

Phân tích làm rõ vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tại BLHS 2015 tội cố ý làm trái đã được cụ thể hóa, thay thế bằng 9 tội danh mới.

Theo điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội về thi hành Luật sửa đổi BLHS 2015, đối với hành vi cố ý làm trái tại Điều 165 của BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS 1999 để xử lý.

Nếu sau thời điểm này mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái mà áp dụng quy định của BLHS 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy, kể từ 1/1/2018, tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã hết vai trò của nó. Song, nếu trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018, hành vi tội phạm bị phát hiện thì vẫn khởi tố về tội danh này. Còn sau thời điểm trên, nếu phát hiện hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước thì sẽ áp dụng quy định của BLHS 2015 về các tội danh tương ứng.

Ông Lê Bạch hồng hồi còn giữ chức vụ

Trở lại với trường hợp của cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng, Luật sư Hồng Vân cho rằng, ông Hồng và các bị can bị đề nghị truy tố nằm trong giai đoạn điều tra giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm.

Trong đó, theo cơ quan chức năng, năm 2011, BHXH Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty cho thuê tài chính II - ALC II do Vũ Quốc Hảo làm Tổng Giám đốc, tổng dư nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Với những sai phạm này, ông Hồng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương khiển trách về Đảng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật về chính quyền.

Như vậy, hành vi vi phạm của ông Nguyễn Bạch Hồng và đồng phạm bị phát hiện trước 0 giờ ngày 1/1/2018, đến thời điểm hiện tại vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Điều 165 BLHS 1999 về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý.

Cố ý làm trái quy định bị phạt tù tới 20 năm

Điều 165 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu-dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 3-12 năm. Phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 10-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Về dấu hiệu cấu thành của tội phạm, Luật sư Hồng Vân nhận định, tội phạm xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế. Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Đó là hành vi thực hiện không đúng hoặc không thực hiện quy định về quản lý kinh tế.

Cơ sở pháp lý để xác định hành vi có phải là hành vi làm trái hay không là văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Hành vi này chỉ bị coi là tội phạm khi gây ra thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.