Kinh doanh phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc:
Vi phạm, sao vẫn tồn tại?
(ANTĐ) - Tìm đến “phố phụ tùng ôtô” Đỗ Ngọc Du, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, 3 ngày sau khi lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra, thu giữ 16 bao tải linh kiện, phụ tùng ôtô lậu (Báo ANTĐ đã đưa tin), chúng tôi chứng kiến một số cửa hàng biến báo bằng cách cất phụ tùng một nơi, có khách đến mới lôi ra phục vụ.
Dấu vết trộm cắp hiện hữu khá rõ ở những phụ tùng này |
Chợ… cấp cứu
Đó là cách gọi của nhiều người về mấy chục cửa hàng kinh doanh phụ tùng, sửa chữa ôtô trên hai tuyến phố Đỗ Ngọc Du và Nguyễn Công Trứ. Gương, đèn, logo, ốp-la-zăng… bất cứ linh kiện nào của những dòng xe từ bình dân nhất như Matiz, Kia đến cao cấp như BMW, Lexus, khi đến khu vực này hỏi mua đều được đáp ứng. Nguồn gốc hàng hóa ở “chợ cấp cứu” rất đa dạng, như được mua, tháo dỡ từ những xe cũ, song phổ biến nhất vẫn là do “người không quen biết mang đến bán” - cách trả lời phổ biến của các chủ cửa hàng khi bị cơ quan chức năng hỏi.
Trong cuộc kiểm tra hành chính hôm 23-3 mà Đội CSĐT tội phạm về TTXH phối hợp với Công an các phường Phố Huế, Đồng Nhân, Đội QLTT số 5 thực hiện; tại 4 cửa hàng bị kiểm tra, lực lượng liên ngành thu giữ 16 bao tải phụ tùng ôtô các loại đều đã qua sử dụng. Nhiều chiếc gương, đèn, logo còn nguyên vết cậy phá, vỡ, nứt - bằng chứng của trò trộm cắp trên đường và mang thẳng đến “chợ cấp cứu” bán.
Khảo sát của CAQ Hai Bà Trưng cho thấy, “chợ cấp cứu” có 56 hộ kinh doanh phụ tùng ôtô; trong đó phường Đồng Nhân chiếm đông nhất với 53 hộ. Số còn lại ở phường Phố Huế. Trong số này, không ít hộ không có giấy phép kinh doanh. Quy mô chưa phải là lớn, nhưng không ít người dân Hà Nội hễ cứ bị tháo mất phụ tùng ôtô là lại tìm đến chợ này để được “cấp cứu”. Hỏi chuyện một thanh niên chạy xe Camry 2.0 vừa thay chiếc gương chiếu hậu bên trái, anh này cho biết: “Mất có hơn 4 triệu, rẻ chán so với mua hàng chính hãng, lại không phải đợi lâu”.
Khó xử lý
Lực lượng chức năng giám định phụ tùng ôtô thu giữ |
Hoạt động kinh doanh thiếu minh bạch của nhiều cửa hàng kinh doanh phụ tùng, sửa chữa ôtô trên phố Đỗ Ngọc Du và Nguyễn Công Trứ khiến dư luận hết sức bức xúc. Giám đốc CATP đã yêu cầu CAQ Hai Bà Trưng và các lực lượng chức năng tập trung các biện pháp nghiệp vụ, làm “sạch” địa bàn, xử lý nghiêm những hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc. Bám sát chỉ đạo đó, trong hơn 1 tháng qua, CAQ Hai Bà Trưng phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Đội QLTT số 5 đã hai lần tiến hành kiểm tra hành chính hoạt động kinh doanh ở khu chợ này. Hơn 10 cửa hàng đã bị tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc.
“Ai cũng hiểu nhiều phụ tùng ôtô bày bán ở phố Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Công Trứ là do bọn trộm cắp mang đến tiêu thụ. Nhưng để chứng minh và xử lý hành vi trộm cắp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không hề đơn giản”, Trung tá Lê Đức Cán - Trưởng CAP Đồng Nhân nhìn nhận.
Theo ông Bùi Hữu Hòa - Đội trưởng Đội QLTT số 5 - Chi cục QLTT Hà Nội, đối với các phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc, cần thực hiện biện pháp tịch thu - tiêu hủy chứ không nên tịch thu - bán đấu giá. Bởi, nếu tổ chức bán đấu giá, với “đầu vào” hợp pháp ấy, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng đối tượng quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa cho sản phẩm phi pháp của mình. Phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc cần phải bị xử lý như băng đĩa lậu: thu giữ rồi công khai tiêu hủy! |
Nếu không bắt quả tang hành vi phạm pháp của đối tượng, chủ hàng có thể không chứng minh được nguồn gốc phụ tùng tại cửa hàng, thì hiệu lực xử lý không cao. Trung tá Cán cho biết, từ năm 2008 đến nay, đã gần 10 lần lực lượng chức năng thành phố, quận kiểm tra hoạt động kinh doanh ở “chợ cấp cứu”, thu giữ hàng chục bao tải linh kiện, phụ tùng ôtô, song cũng chỉ áp dụng được biện pháp xử lý hành chính các cửa hàng này về mặt thương mại. Trong khi đó, mức phạt hành chính lại không khiến chủ cửa hàng ngại, vì lợi nhuận họ kiếm được khi cố tình tiêu thụ đồ gian.
Cái “khó” trong công tác xử lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh phụ tùng ôtô được chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAQ Hai Bà Trưng nêu: “Trước hết là do người bị mất không trình báo cơ quan công an. Chúng tôi không có bị hại để điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, việc mua bán giữa chủ hàng và các đối tượng trộm cắp rất tinh vi, thường trao đổi qua điện thoại, hẹn địa điểm để thỏa thuận giá cả, sau đó mới giao “hàng” ở địa điểm khác. Các chủ hàng sau khi mua được của gian thường tân trang, thay đổi hình thức để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng”.
Lại “nóng” câu chuyện ý thức
Trong câu chuyện phố phụ tùng ôtô, có thể thấy, vấn đề quan trọng là ý thức của người dân. Trước hết đối với các hộ kinh doanh; họ luôn được tạo điều kiện thuận lợi để mưu sinh nếu tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Lợi nhuận có được từ việc mua bán đồ gian đồng nghĩa với nguy cơ bị pháp luật phán xét. Chính các hộ kinh doanh đã tự làm khó mình khi dịch vụ phụ tùng ôtô, vốn dĩ chẳng có “lỗi” gì, đang có nguy cơ trở nên phức tạp.
“Nhân vật” chính thứ hai trong “câu chuyện ý thức” ở đây là người bị hại. Bị lấy mất phụ tùng, đến giao dịch trực tiếp với cửa hiệu chuyên doanh thay vì trình báo cơ quan công an chính là động thái vô tình tiếp tay cho tội phạm hoạt động. Đúng là đang còn những thủ tục hành chính khá rườm rà khi trình báo, so với việc chịu bỏ tiền ra “chợ” là tìm lại được tài sản của mình; nhưng so với hiện tượng mất trộm phụ tùng ôtô đang diễn ra nhức nhối, thì tâm lý, cách nghĩ của nhiều người dân thực sự không có lợi. Tội phạm trộm cắp phụ tùng ôtô đang “sống” được nhờ những cách nghĩ đơn giản này!
Hoàng Quân