Vì muốn hưởng lợi bất chính...

(ANTĐ) - Người lao động muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao, còn kẻ lừa đảo muốn có tiền mà không phải lao động, hai bên gặp nhau và rất nhanh, những người lao động trở thành nạn nhân khi tiền mất mà việc làm cũng không có...

Vì muốn hưởng lợi bất chính...

(ANTĐ) - Người lao động muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao, còn kẻ lừa đảo muốn có tiền mà không phải lao động, hai bên gặp nhau và rất nhanh, những người lao động trở thành nạn nhân khi tiền mất mà việc làm cũng không có...

Khoảng đầu tháng 11-2006, Nguyễn Thị Ngọc (SN 1971), trú tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đi chơi và gặp Nguyễn Thị Hằng (là bạn bè quen biết nhau dạo còn ở Đài Loan - Trung Quốc) đang ngồi ăn ốc luộc tại đường ven hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngọc cũng ngồi xuống ăn cùng và bàn với nhau về việc đưa lao động Việt Nam đi xuất khẩu tại Ma Cao - Trung Quốc. Hằng nói: Hiện đang có đường dây đi Ma Cao - Trung Quốc làm việc công xưởng giày da, mỗi tháng 5 triệu đồng Việt Nam. Nếu có nhu cầu, người lao động phải nộp khoản tiền 22 triệu đồng, nộp cho người môi giới 4 triệu đồng. Thủ tục đi gồm có hộ chiếu và chứng minh thư nhân dân.

Nghe Hằng nói vậy, Ngọc đồng ý ngay về việc tuyển người, sau đó nhờ Hằng làm thủ tục đi Ma Cao với giá 20 triệu đồng/người. Khoảng tháng 5-2006, Ngọc đi ôtô từ Bến xe Nước ngầm về nhà Trần Thị Cúc ở Tây Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An chơi với mục đích tuyển lao động. Tại nhà chị Cúc, Ngọc gặp chị Nguyễn Thị Điệp và Võ Thị Huyền. Thấy hai chị đang thật sự có nhu cầu tìm việc làm, Ngọc “tiếp thị” luôn: Nếu ai muốn lao động tại Ma Cao thì Ngọc sẽ giúp vì Ngọc quen biết rộng, từng làm việc tại đây và có nhiều người có khả năng giúp việc này.

Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc

Khi sang Ma Cao, công việc chính làm ở xưởng giày da với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Mỗi người đi phải nộp một khoản tiền là 22 triệu đồng, tiếp đó cầm 4 triệu đồng sang Ma Cao nộp cho người môi giới bên đó. Thủ tục đi gồm hộ chiếu và chứng minh thư nhân dân. Nghe Ngọc nói xong, các chị Cúc, Điệp và Huyền đều đồng ý đi Ma Cao với giá thỏa thuận trên.

Ngày 22-11-2006, chị Cúc, Điệp, Huyền và Nguyễn Thị Hồng (nhà cũng ở Tây Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An) đi ôtô từ Nghệ An ra Hà Nội rồi đến nhà chị Phạm Thị ánh Tuyết (em chồng Ngọc) ở khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội để gặp Ngọc. Tại đây, Ngọc nhắc lại với mọi người nội dung đã nói từ trước về việc sang Ma Cao làm việc cùng những lời quảng cáo đường mật để củng cố lòng quyết tâm cho họ.

Tuy nhiên, chỉ có chị Hồng mang tiền theo nên đã đưa cho Ngọc 22 triệu đồng, còn 3 người kia chưa nộp tiền. Hơn một tuần sau, Ngọc báo cho Điệp để Điệp báo cho Hồng biết và hẹn 5h ngày 29-11-2006, chị Hồng phải có mặt ở Bến xe Nước ngầm để Ngọc đưa đi Ma Cao.

Đúng hẹn, Ngọc và Hằng đi xe máy đến Bến xe Nước ngầm gặp vợ chồng chị Hồng. Tiếp đó, Ngọc và Hằng đưa chị ra Bến xe Giáp Bát. Tại đây, Ngọc đứng ngoài trông xe, còn Hằng dẫn chị Hồng vào trong bến xe giao cho Phương (bạn Hằng) để Phương đưa Hồng lên xe ôtô đi Móng Cái và đưa sang Ma Cao - Trung Quốc làm việc. Tới Ma Cao, chị Hồng không có việc làm như Ngọc đã hứa trong giấy biên nhận nên chỉ ở bên đó được 7 ngày, chị Hồng bỏ về Việt Nam. Cũng với thủ đoạn trên, Ngọc còn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 6 bị hại khác.

Vụ án đã được TAND quận Thanh Xuân xử sơ thẩm ngày 30-9-2008. Có thể nói, tính chất vụ án khá nghiêm trọng. Bị cáo không có nhiệm vụ, chức năng đưa người lao động đi Ma Cao làm việc nhưng vẫn thu tiền, hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân của người lao động.

Số tiền thu được, bị cáo chi tiêu cho mục đích cá nhân. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ trực tiếp xâm hại đến tài sản được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất trật tự trị an xã hội.

Bị cáo là người đã trưởng thành, có trình độ nhận thức xã hội, nhưng không chịu tu dưỡng đạo đức, thích hưởng lợi bất chính nên đã phạm tội. Vì vậy, cần phải xử nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, khi lượng hình, HĐXX có xem xét bị cáo khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, khắc phục một phần cho các bị hại nên đây được coi là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Vì các lẽ đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Ngọc 26 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139, khoản 2 BLHS.

Bị cáo Ngọc cho rằng án sơ thẩm với mình như thế là quá nặng nên trong thời hạn luật định, Ngọc làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên tòa phúc thẩm vụ án trên sẽ được diễn ra tại TAND TP Hà Nội vào tháng 2-2009.

Thu Hiền